Ngày 24/02/2020, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Kết luận số 69-KL/TW (sau đây gọi là Kết luận số 69-KL/TW) về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 33-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức và hoạt động của Luật sư. Sau 05 năm triển khai, thực hiện Kết luận 69-KL/TW trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ luật sư, các tổ chức hành nghề luật sư hoạt động và phát triển. Trong đó, một số kết quả nổi bật như sau:
Công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc tổ chức thực hiện
Thực hiện Kết luận số 69-KL/TW ngày 24/02/2020 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 33-CT/TW của Ban Bí thư, trên cơ sở Thông báo số 1975-TB/TU ngày 15/4/2020 của Thường trực Tỉnh uỷ về việc thực hiện Kết luận số 69-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 33-CT/TW của Ban Bí thư về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức và hoạt động của luật sư, Ban cán sự Đảng UBND tỉnh Phú Thọ đã chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức Đảng và các ngành, đơn vị liên quan của tỉnh thực hiện các hoạt động quán triệt, phổ biến, tuyên truyền Kết luận số 69-KL/TW bằng nhiều hình thức như: lồng ghép trong các hoạt động tuyên truyền cải cách tư pháp, phổ biến giáo dục pháp luật, các chương trình, kế hoạch công tác của địa phương, đơn vị mình để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện đạt hiệu quả. Thông qua các hình thức tuyên truyền, phổ biến đã góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, đội ngũ luật sư và nhân dân về vị trí, vai trò, trách nhiệm xã hội của luật sư, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, bảo vệ công lý, quyền con người, quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức và bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa.
Công tác quản lý nhà nước đối với tổ chức và hoạt động của luật sư được tăng cường
UBND tỉnh Phú Thọ đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo nhằm tăng cường quản lý đối với lĩnh vực luật sư; Chỉ đạo tổ chức thành công Đại hội nhiệm kỳ 2024-2029 của Đoàn Luật sư tỉnh Phú Thọ; kịp thời công bố danh mục thủ tục hành chính được sửa đổi, bổ sung lĩnh vực luật sư; chỉ đạo Sở Tư pháp và Đoàn Luật sư tỉnh Phú thọ ký kết Quy chế số 01/QCPH-STP-ĐLS ngày 28/3/2023 (thay thế Quy chế phối hợp năm 2014) về việc phối hợp công tác quản lý luật sư và hoạt động hành nghề luật sư trên địa bàn tỉnh Phú Thọ.
UBND tỉnh Phú Thọ chỉ đạo Sở Tư pháp thường xuyên thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện các trường hợp vi phạm pháp luật về luật sư và có biện pháp chấn chỉnh, hướng dẫn giải quyết, khắc phục các sai sót theo quy định của pháp luật. Trong kỳ, Sở Tư pháp đã ban hành kế hoạch thanh tra, kiểm tra hoạt động 06 tổ chức hành nghề luật sư. Qua kiểm tra, các tổ chức hành nghề luật sư và các luật sư cơ bản chấp hành đúng quy định của pháp luật có liên quan về lĩnh vực, ngành nghề đăng ký hoạt động, không vi phạm quy tắc đạo đức nghề nghiệp luật sư.
Từ 24/02/2020 đến 30/9/2024, Sở Tư pháp đã cấp đăng ký hoạt động cho 03 Công ty Luật, 01 Văn phòng luật sư; 05 Chi nhánh của tổ chức hành nghề Luật sư; tiếp nhận và đề nghị Bộ Tư pháp cấp chứng chỉ hành nghề luật sư cho 33 trường hợp; thu hồi 02 Giấy đăng ký hoạt động của Tổ chức hành nghềluật sư (thuộc trường hợp tự chấm dứt). Nhìn chung, việc cấp, thu hồi giấy đăng ký hoạt động của Tổ chức hành nghề luật sư, Chi nhánh tổ chức hành nghề luật sư được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo chặt chẽ, tạo điều kiện thuận lợi theo tinh thần đổi mới, đơn giản các thủ tục hành chính.
Trách nhiệm tự quản của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư, tổ chức hành nghề luật sư.
Đoàn Luật sư tỉnh về cơ bản đã phát huy vai trò tự quản, thực hiện đúng nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại Luật Luật sư và các văn bản hướng dẫn thi hành, Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam. Công tác bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn, trau dồi đạo đức nghề nghiệp cho luật sư được quan tâm thường xuyên. Công tác giám sát việc tuân theo pháp luật, Điều lệ Đoàn Luật sư, Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp của luật sư thành viên, các tổ chức hành nghề luật sư đóng trên địa bàn tỉnh và công tác quản lý người tập sự hành nghề luật sư được Đoàn Luật sư tỉnh thực hiện tương đối tốt.
Công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ luật sư nói chung được Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh xác định là nhiệm vụ trọng tâm nhằm rèn luyện về bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ luật sư, góp phần vào việc giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phát triển kinh tế và hội nhập. Đây là nhiệm vụ thường xuyên được tổ chức thực hiện thông qua việc triển khai, quán triệt về đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật Nhà nước, kết hợp với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, gắn với việc học tập Quy tắc đạo đức và ứng xử hành nghề luật sư của Đoàn Luật sư tỉnh.
Việc phát triển đội ngũ luật sư thành viên được Đoàn Luật sư tỉnh chú trọng, quan tâm; trình tự, thủ tục và điều kiện gia nhập Đoàn Luật sư được Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh thực hiện công khai, minh bạch; việc xét hồ sơ đăng ký nghiêm túc đảm bảo đúng quy định của pháp luật và Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Nội quy của Đoàn Luật sư. Do đó thành viên của Đoàn Luật sư từng bước được nâng lên cả về chất lượng và số lượng. Việc đăng ký tập sự, phân công luật sư hướng dẫn, giám sát quá trình người tập sự….được thực hiện theo đúng quy định tại Thông tư số 19/2013/TT-BTP ngày 28/11/2013 của Bộ Trưởng Bộ Tư pháp về hướng dẫn tập sự hành nghề luật sư.
Công tác giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, xử lý kỷ luật được Ban Chủ nhiệm và Hội đồng khen thưởng kỷ luật của Đoàn Luật sư quan tâm, theo dõi và chỉ đạo thực hiện nghiêm túc.
Công tác phát triển các tổ chức hành nghề luật sư, đội ngũ luật sư trên địa bàn tỉnh Phú Thọ có sự chuyển biến cả về số lượng và chất lượng
Giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2024, số lượng tổ chức hành nghề luật sư trên địa bàn tỉnh có sự chuyển biến, tăng từ 14 tổ chức hành nghề luật sư lên đến 18 tổ chức hành nghề luật sư. Tính đến ngày 31/09/2024, toàn tỉnh có 08 Văn phòng luật sư và10 Công ty luật. Đa số các tổ chức hành nghề luật sư có quy mô nhỏ (chỉ có 01 đến 03 luật sư). Mạng lưới các tổ chức hành nghề luật sư phân bố không đồng đều trên địa bàn tỉnh, trụ sở hoạt động tập trung chủ yếu trên địa bàn thành phố Việt Trì (11 tổ chức).Trên địa bàn tỉnh Phú Thọ không có tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài.Về cơ bản, các tổ chức hành nghề luật sư luôn tuân thủ quy định của pháp luật về thành lập, đăng ký hoạt động; chấp hành chế độ báo cáo với cơ quan có thẩm quyền theo quy định.
Cùng với việc phát triển các tổ chức hành nghề luật sư, đội ngũ luật sư trên địa bàn tỉnh Phú Thọ trong thời gian qua cũng có sự chuyển biến cả về số lượng và chất lượng. Đến nay đã có 85 luật sư đăng ký hành nghề và tham gia Đoàn Luật sư tỉnh (tăng 18 luật sư so với năm 2020).
Nhìn chung, đội ngũ luật sư của tỉnh cơ bản đáp ứng yêu cầu đặt ra; phần lớn luật sư có tâm huyết với nghề, chấp hành đúng các quy định pháp luật, quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư, Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam; một số luật sư đã tự trau dồi kiến thức và chủ động tham gia các lớp tập huấn dành cho luật sư để nâng cao kiến thức và kỹ năng hành nghề. Ngoài tham gia tranh tụng, tư vấn pháp luật, các luật sư trên địa bàn tỉnh cũng tích cực tham gia trợ giúp pháp lý cho các đối tượng chính sách và tư vấn pháp luật miễn phí.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác triển khai Kết luận 69-KL/TW còn tồn tại một số khó khăn, vướng mắc như: Tổ chức hành nghề luật sư trên địa bàn tỉnh phát triển chưa đồng đều (đa số tập trung tại thành phố Việt Trì, một số huyện vùng sâu, vùng xa chưa có tổ chức hành nghề luật sư: Tân Sơn, Thanh Sơn, Đoan Hùng, Hạ Hòa); Đoàn Luật sư tỉnh chưa có tổ chức Đảng. Cơ sở vật chất, điều kiện phương tiện, kinh phí hoạt động của Đoàn Luật sư tỉnh còn nhiều khó khăn, trụ sở làm việc là nhà cấp 4 đã sử dụng lâu năm, hiện đã rất xuống cấp…..
Nhằm giải quyết những khó khăn, vướng mắc, trong thời gian tới các cấp ủy Đảng, chính quyền cần tập trung vào một số nhiệm vụ, giải pháp sau: Bám sát chủ trương của Đảng, pháp luật của nhà nước về luật sư để chỉ đạo và tổ chức thực hiện đúng, sát tình hình. Đoàn Luật sư và các tổ chức hành nghề luật sư phải triển khai, thực hiện nghiêm túc các quy định của Đảng và Nhà nước đối với hành nghề luật sư; Tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho các luật sư tham gia các hoạt động tố tụng; khuyến khích, thu hút luật sư tham gia công tác tư vấn pháp luật, tư vấn chính sách phát triển kinh tế địa phương; tích cực tham gia trợ giúp pháp lý cho người nghèo, người dân ở vùng sâu, vùng xa, đối tượng chính sách và các công tác xã hội khác; Tăng cường vai trò quản lý nhà nước đối với luật sư và hoạt động hành nghề của luật sư; thường xuyên thanh tra, kiểm tra và kịp thời xử lý vi phạm đối với tổ chức, hoạt động luật sư; có hình thức khen thưởng cho các luật sư, tổ chức hành nghề luật sư có thành tích và có công đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương; Đồng thời tăng cường công tác giám sát của các cơ quan dân cử, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội và của Nhân dân đối với tổ chức và hoạt động của luật sư./.