Kế hoạch triển khai chương trình phòng, chống ma túy trong thanh, thiếu niên đến năm 2030

04/04/2024

Nhằm triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống tội phạm đề ra tại Quyết định số 140/QĐ-TTg, gắn với tiếp tục thực hiện Chương trình phòng, chống ma túy giai đoạn 2021-2025; Chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm giai đoạn 2016 - 2025 và định hướng đến năm 2030 của Chính phủ. Kiềm chế tỷ lệ gia tăng; tiến tới giảm số lượng thanh, thiếu niên sử dụng trái phép chất ma túy, nghiện ma túy so với năm trước. Bảo đảm quản lý chặt chẽ số thanh, thiếu niên sử dụng trái phép chất ma túy, nghiện ma túy, sau cai nghiện ma túy theo quy định. UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai Chương trình phòng, chống ma túy trong thanh, thiếu niên đến năm 2030.

Tỉnh Phú Thọ đặt mục tiêu đến năm 2025, trên 80% và năm 2030, trên 90% thanh, thiếu niên sử dụng trái phép chất ma túy, nghiện ma túy có hồ sơ quản lý được tư vấn, khám sàng lọc, đánh giá, được giáo dục thay đổi hành vi, điều trị, cai nghiện ma túy thích hợp và thanh, thiếu niên sau cai nghiện ma túy, thanh, thiếu niên chấp hành xong án phạt tù về tội phạm ma túy được hỗ trợ dạy nghề, việc làm và các hoạt động hỗ trợ hòa nhập cộng đồng theo quy định pháp luật.

Đồng thời, đề ra mục tiêu hằng năm: Tổ chức Đoàn các cấp phát động phong trào thanh niên hưởng ứng, tham gia các hoạt động phòng, chống ma túy. Đoàn Thanh niên xã, phường, thị trấn trọng điểm, phức tạp về ma túy xây dựng mô hình phòng, chống ma túy; trong đó mỗi năm giúp đỡ, hỗ trợ để cảm hóa được ít nhất 01 thanh, thiếu niên sau cai nghiện ma túy hoặc thanh, thiếu niên chấp hành xong án phạt tù về tội phạm ma túy tái hòa nhập cộng đồng, có việc làm ổn định. Mỗi năm, ít nhất 70% cơ sở giáo dục bậc trung học cơ sở trở lên tổ chức tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức về phòng, chống ma túy cho cán bộ, giáo viên, giảng viên, học sinh, sinh viên. Đến năm 2025, trên 80% và năm 2030, 100% cán bộ, giáo viên, giảng viên được tập huấn, trang bị kiến thức, kỹ năng phòng, chống ma túy để có đủ năng lực tổ chức các hoạt động giáo dục phòng, chống ma túy cho học sinh, sinh viên.

Để thực hiện các mục tiêu này, Kế hoạch đã đề ra 05 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cụ thể:

1. Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về phòng, chống ma túy trong thanh, thiếu niên: Quán triệt, lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm công tác phòng, chống ma túy trong thanh, thiếu niên, gắn với thực hiện quyết liệt, hiệu quả Chỉ thị số 36-CT/TW, ngày 16/8/2019 của Bộ Chính trị về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy; Luật Phòng, chống ma túy năm 2021; Luật Thanh niên năm 2020; Chiến lược quốc gia phòng, chống và kiểm soát ma túy đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030; Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030; Chương trình phòng, chống ma túy giai đoạn 2021 - 2025… Phát huy vai trò và nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu các cấp, tính tiên phong, gương mẫu của mỗi cán bộ, đảng viên; trước hết không để bản thân và con em trong gia đình vi phạm pháp luật về phòng, chống ma túy. Thực hiện nghiêm Quy định số 69-QĐ/TW, ngày 06/7/2022 của Bộ Chính trị về kỷ luật đối với tổ chức đảng, đảng viên vi phạm, nhất là đối với trường hợp bản thân người đứng đầu, cán bộ, đảng viên vi phạm pháp luật về phòng, chống ma túy hoặc thiếu trách nhiệm trong quản lý, giáo dục dẫn đến con em hoặc cấp dưới trực tiếp vi phạm pháp luật về phòng, chống ma túy. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành, nhất là giữa lực lượng Công an, Đoàn Thanh niên, cơ sở giáo dục và các sở, ban, ngành, đoàn thể; kết hợp tăng cường vai trò, trách nhiệm của mỗi gia đình trong công tác phòng, chống ma túy trong thanh, thiếu niên.Tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện công tác phòng, chống ma túy trong thanh, thiếu niên tại các cơ quan, đơn vị, cơ sở giáo dục, địa phương...

2. Tham gia hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng, chống ma túy trong thanh, thiếu niên: Chủ động rà soát chính sách pháp luật về phòng, chống ma túy, nhất là những quy định liên quan đến lứa tuổi thanh, thiếu niên để kịp thời đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới cho phù hợp với tình hình thực tiễn, bảo đảm chặt chẽ, đồng bộ, thống nhất.

3. Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục phòng, chống ma túy trong thanh, thiếu niên:Tập trung tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức pháp luật về phòng, chống ma túy, cảnh báo trực diện cho thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên và phụ huynh về hậu quả, tác hại, hiểm họa của ma túy; phương thức, thủ đoạn lôi kéo thanh, thiếu niên tham gia vào hoạt động phạm tội và tệ nạn ma túy; cách thức nhận biết, kỹ năng phòng ngừa, chủ động tham gia tố giác và cung cấp thông tin về tội phạm, tệ nạn ma túy cho cơ quan chức năng. Tổ chức tuyên truyền cá biệt, tập trung vào nhóm đối tượng có nguy cơ cao như thanh, thiếu niên sau cai nghiện ma túy, không có việc làm; có tiền án, tiền sự; học sinh, sinh viên cá biệt; thanh, thiếu niên vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa; thanh, thiếu niên có hoàn cảnh đặc biệt khác. Đa dạng hóa các hình thức, biện pháp tuyên truyền phù hợp với từng nhóm đối tượng, địa bàn; kết hợp giữa truyền thông đại chúng với tuyên truyền trực tiếp đến từng gia đình, tổ dân phố, cụm dân cư và các cơ sở giáo dục. Tổ chức các đợt cao điểm tuyên truyền phòng, chống ma túy cho thanh, thiếu niên hưởng ứng Tháng hành động phòng, chống ma tuý; Ngày quốc tế phòng, chống ma tuý và Ngày toàn dân phòng, chống ma tuý; Tháng Thanh niên, Ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh; Ngày Pháp luật Việt Nam.

4. Nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện, điều trị nghiện ma túy; quản lý chặt chẽ thanh, thiếu niên sử dụng trái phép chất ma túy, nghiện ma túy và quản lý, hỗ trợ thanh, thiếu niên sau cai nghiện ma túy tái hòa nhập cộng đồng: Thường xuyên rà soát, thống kê danh sách thanh, thiếu niên sử dụng trái phép chất ma túy, nghiện ma túy và sau cai nghiện ma túy; bảo đảm có hồ sơ quản lý chặt chẽ và số thanh, thiếu niên nghiện ma túy được hỗ trợ tư vấn pháp lý và xã hội, cai nghiện phù hợp. Tăng cường vai trò, trách nhiệm, phối hợp thường xuyên, chặt chẽ giữa chính quyền địa phương và gia đình, lực lượng Công an, Đoàn Thanh niên, Y tế, Lao động - Thương binh và Xã hội, các đoàn thể ở cơ sở trong công tác quản lý thanh, thiếu niên sử dụng trái phép chất ma túy, nghiện ma túy và quản lý, hỗ trợ thanh, thiếu niên sau cai nghiện ma túy tái hòa nhập cộng đồng.

5. Đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về ma túy nhằm ngăn chặn ma túy tác động đến thanh, thiếu niên: Các lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy, chủ công, nòng cốt là lực lượng Công an thường xuyên nắm, phân tích, đánh giá, nhận diện, dự báo chính xác tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật về ma túy, chủ động triển khai các kế hoạch, biện pháp nghiệp vụ phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả, không để tình hình ma túy trong thanh, thiếu niên diễn biến phức tạp.Tổ chức triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ nhằm kịp thời phát hiện, đấu tranh triệt phá các đường dây, tổ chức, băng nhóm, điểm, tụ điểm phức tạp về ma túy liên quan đến thanh, thiếu niên, nhất là các hoạt động ma túy “núp bóng”; hoạt động mua bán, tổ chức, chứa chấp sử dụng trái phép chất ma túy trong các cơ sở kinh doanh có điều kiện và dịch vụ nhạy cảm về an ninh, trật tự; hoạt động mua bán, vận chuyển, lôi kéo, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy liên quan đến không gian mạng.

Công an tỉnh được giao chủ trì phối hợp với Tỉnh đoàn tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo triển khai thực hiện Chương trình phòng, chống ma túy trong thanh, thiếu niên đến năm 2030 (Chương trình), gắn với thực hiện các chương trình, đề án, dự án khác của tỉnh liên quan đến lĩnh vực phòng, chống ma túy và phát triển thanh, thiếu niên. Đồng thời đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Kế hoạch này; tham mưu tổ chức sơ kết việc thực hiện Chương trình vào năm 2026, tổng kết vào năm 2030.

Các sở, ban, ngành khác căn cứ chức năng, nhiệm vụ phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chuyên trách phòng, chống ma túy trong công tác phòng, chống ma túy trong lứa tuổi thanh, thiếu niên. Đồng thời tăng cường công tác quản lý, phát triển thanh niên ở cơ quan, đơn vị; phối hợp triển khai có hiệu quả các nội dung của Chương trình theo chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực phụ trách.

TGV