Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại Đại hội
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, mặc dù xếp thứ 13/14 trong khu vực trung du miền núi phía Bắc về diện tích nhưng Phú Thọ có quy mô kinh tế đứng thứ 3/14 tỉnh, chỉ sau Thái Nguyên và Bắc Giang. Tốc độ tăng trưởng kinh tế duy trì mức khá cao, bình quân giai đoạn 2016 - 2020 ước đạt 7,88%; thu nhập bình quân đầu người tăng khoảng 65% so với năm 2015.
Ngành du lịch phát triển khá tốt với tổng vốn đầu tư tăng 8,8% kế hoạch với các trung tâm du lịch như: Đền Hùng, Khu du lịch ước nóng Thanh Thủy… Môi trường đầu tư kinh doanh và năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI 2019 tăng 3 bậc so với 2016. Các hoạt động văn hóa - xã hội được quan tâm và đạt nhiều kết quả tích cực, toàn diện. Phú Thọ có 2 di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại được UNESCO công nhận đó là Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và Hát Xoan Phú Thọ.
Kết quả này tạo nền tảng quan trọng để Phú Thọ tiếp tục thành công trong nhiệm kỳ tới, đóng góp vào quá trình phát triển chung của cả nước - Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh.
Tuy nhiên, Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ ra những hạn chế cần khắc phục của Phú Thọ như: Tăng trưởng kinh tế vẫn chưa tương xứng với tiềm năng; kinh tế chuyển dịch tích cực nhưng vẫn chậm; chất lượng của từng lĩnh vực cũng như sản xuất công nghiệp quy mô nhỏ, trình độ thấp, thiếu sự liên kết thống nhất; công nghiệp lắp ráp, ứng dụng khoa học công nghệ hạn chế; ngành dịch vụ chưa phát huy hết lợi thế, cơ chế khuyến khích phát triển du lịch chưa rõ nét. Phát triển tiểu vùng kinh tế động lực theo định hướng không gian phát triển còn hạn chế, kết nối vùng kinh tế và Hà Nội, Vĩnh Phúc, Tuyên Quang còn nhiều bất cập…
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tặng hoa chúc mừng Đại hội
Phú Thọ hội tụ đủ 3 yếu tố Thiên thời - Địa lợi - Nhân hòa
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Phú Thọ ngày nay hội tụ đủ 3 yếu tố Thiên thời - Địa lợi - Nhân hòa. Về thiên thời, Phú Thọ - nơi dựng nghiệp lớn của các Vua Hùng phải là một trong những địa phương nhanh nhạy, sắc bén, đi đầu trong việc nắm bắt thời cơ, vận hội từ sự chuyển mình đi lên cả về thế và lực của đất nước, của dân tộc ta trong thời đại toàn cầu hóa.
Về địa lợi, Phú Thọ có lịch sử phát triển từ lâu đời và có vị trí chiến lược quan trọng nằm ở trung tâm của nền văn minh Sông Hồng. Đây cũng là nơi có nhiều di tích lịch sử với nền văn hóa dân gian đặc sắc, là cửa ngõ nối liền vùng Tây Bắc của Tổ quốc với Thủ đô Hà Nội và các vùng châu thổ Sông Hồng có các đường giao thông thủy, bộ thuận tiện và nằm trên tuyến hành lang kinh tế Côn Minh - Hà Nội - Hải Phòng.
Về nhân hòa, Phú Thọ có nguồn nhân lực dồi dào; cấp ủy Đảng, chính quyền được người dân và doanh nghiệp tin tưởng, đánh giá cao về sự năng động, sáng tạo trong việc giải quyết các vấn đề phát sinh, kể cả những vấn đề mới, phức tạp.
“Hôm nay chúng ta có mặt tại đây để chứng kiến một khí thế, một quyết tâm, khát vọng đặt ra nhiệm vụ, giải pháp chiến lược để phát triển Phú Thọ vững mạnh. Nhân dân các dân tộc tỉnh Phú Thọ cùng với cả nước kỳ vọng, tin tưởng vào trách nhiệm, trí tuệ của các đại biểu dự Đại hội để mở ra tương lai tươi sáng cho vùng Đất Tổ linh thiêng ” - Thủ tướng nhấn mạnh.
Đặt mục tiêu đến năm 2035 xây dựng Phú Thọ trở thành Trung tâm công nghiệp hiện đại của phía Bắc
Cơ bản nhất trí với nội dung đề ra của Đại hội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Đảng bộ, chính quyền, người dân và cộng đồng doanh nghiệp tỉnh Phú Thọ cần tận dụng tốt mọi cơ hội vượt lên chính mình, đưa tỉnh nhà phát triển đột phá trong nhiệm kỳ tới, xứng danh quê hương Đất Tổ anh hùng.
Ngày 13/4/1959 khi về thăm công trường xây dựng Khu công nghiệp Việt Trì, Bác Hồ nói: Đây là khu công nghiệp đầu tiên của nước ta, xưa các Vua Hùng đã chọn làm nơi đóng đô, dựng nước, nay ta xây dựng Đất Tổ thành một khu công nghiệp to lớn, cơ sở của chủ nghĩa xã hội. Chính vì vậy tỉnh Phú Thọ hãy làm nên kỳ tích để xứng đáng với tầm nhìn, niềm tin và mong mỏi của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Phú Thọ có thể trở thành Trung tâm công nghiệp hiện đại của phía Bắc đến năm 2035 hay không phụ thuộc rất lớn vào việc đặt nền móng chiến lược và hành động mạnh mẽ trong nhiệm kỳ tới. Câu hỏi này đặt ra yêu cầu ý chí, quyết tâm rất cao của Đảng bộ, chính quyền nhất là trong công tác lãnh đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội của địa phương - Thủ tướng nhấn mạnh.
Để đạt được mục tiêu đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu tỉnh Phú Thọ cần cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lựa chọn và xác định mô hình tăng trưởng phù hợp để phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế của địa phương. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu, lập quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để phát triển đô thị theo hướng đồng bộ, hiện đại, làm trung tâm dẫn dắt sự phát triển của các tiểu vùng. Các Bộ, ngành phải “xắn tay áo” vào cùng Phú Thọ xây dựng được một số khu công nghiệp về công nghệ thông tin, khu công nghiệp chế biến - chế tạo, khu chế xuất…
Đồng chí lưu ý, tỉnh đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, xây dựng đội ngũ cán bộ và chính quyền thật sự là công bộc của dân. Sắp xếp bộ máy tinh gọn, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ các lĩnh vực cần ưu tiên phát triển; thường xuyên chăm lo xây dựng, rèn luyện đội ngũ cán bộ, công chức nắm vững pháp luật, thạo việc, công tâm, hết lòng phục vụ nhân dân, coi đó là vấn đề then chốt để nhân dân tin tưởng, ủng hộ và bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền.
Bên cạnh đó, tăng cường huy động nguồn lực cho đầu tư kết cấu hạ tầng quan trọng, chiến lược như khu công nghiệp, khu du lịch, công trình, dự án có tính kết nối liên vùng… Trong đó cần đặc biệt quan tâm nâng cấp cải thiện cơ sở hạ tầng liên quan đến khu công nghiệp và đưa ra các chính sách đột phá thu hút doanh nghiệp, tiềm lực tốt vào 7 khu công nghiệp, 2 cụm công nghiệp trong bối cảnh chuyển dịch chuỗi cung ứng quốc tế hiện nay.
Thủ tướng Chính phủ đề nghị: Tỉnh Phú Thọ cần đưa du lịch trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, làm động lực và đòn bẩy cho các lĩnh vực khác. Thu hút mạnh đầu tư phát triển du lịch, nâng cao giá trị gia tăng và chất lượng dịch vụ; đa dạng hóa sản phẩm du lịch, gắn văn hóa truyền thống và sinh thái, bảo tồn và phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa vùng Đất Tổ, nhất là hai di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận. Đồng thời kết hợp chặt chẽ với Thủ đô Hà Nội và các địa phương trong phát triển du lịch, dịch vụ và công nghiệp.
Phú Thọ phải coi tính bền vững trong phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, môi trường, đảm bảo quốc phòng - an ninh, tạo lập liên kết vùng trong quá trình quy hoạch và phát triển với chiến lược lâu dài. Cần quản lý khai thác sử dụng hợp lý, hiệu quả và bền vững tài nguyên trên địa bàn. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Phú Thọ phải xây dựng trên công thức 3 trong 1 của sự phát triển gồm kinh tế, xã hội và môi trường.
Thủ tướng đặt kỳ vọng Phú Thọ có lộ trình phấn đấu giảm dần sự hỗ trợ từ Trung ương, sớm gia nhập các địa phương tự cân đối được ngân sách trong vòng 5 năm tới.
Đồng thời, tỉnh tăng cường công tác xây dựng Đảng về tư tưởng chính trị, đạo đức tổ chức cán bộ, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng các cấp, phát huy vai trò của MTTQ, các tổ chức chính trị xã hội và nhân dân tham gia hoạt động giám sát và phản biện xã hội. Tiếp tục tăng cường giữ gìn đoàn kết nội bộ; phải hết sức kiên trì, quyết liệt trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.