Nội dung câu hỏi

Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 quy định những hành vi nào bị nghiêm cấm ?

Trả lời

1. Hỏi: Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 quy định những hành vi nào bị nghiêm cấm ?

Trả lời:

Điều 8 Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 nghiêm cấm các hành vi sau:

- Cố ý làm lây lan tác nhân gây bệnh truyền nhiễm.

- Người mắc bệnh truyền nhiễm, người bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm và người mang mầm bệnh truyền nhiễm làm các công việc dễ lây truyền tác nhân gây bệnh truyền nhiễm theo quy định của pháp luật.

- Che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm theo quy định của pháp luật.

- Cố ý khai báo, thông tin sai sự thật về bệnh truyền nhiễm.

- Phân biệt đối xử và đưa hình ảnh, thông tin tiêu cực về người mắc bệnh truyền nhiễm.

- Không triển khai hoặc triển khai không kịp thời các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo quy định của Luật này.

- Không chấp hành các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

2. Hỏi: Ông B từ vùng dịch trở về nước qua đường hàng không. Khi nhập cảnh, B đã được thông báo cách ly. Khi khai báo y tế, B đã không trung thực, khai báo không đầy đủ về thông tin, lịch trình di chuyển của mình. Sau đó, B có  triệu chứng sốt, ho, khó thở và được xét nghiệm cho kết quả dương tính với Sars-Covid 2. Hành vi của B cũng đã khiến 8 người tiếp xúc gần với B cũng bị dương tính với Sars-Covid 2. Hành vi khai báo y tế không đầy đủ, thiếu trung thực của B sẽ bị xử lý như thế nào?

Trả lời:

Theo Điểm 1.1 Công văn 45/TANDTC-PC ngày 30-3-2020 của Hội đồng thẩm phán TANDTC về việc xét xử tội phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19 thì hành vi của A khai báo y tế không đầy đủgian dối gây lây truyền dịch bệnh Covid-19 cho người khác thì bị coi là trường hợp thực hiện “hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người” quy định tại Điểm c, Khoản 1 Điều 240 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) và bị xử lý về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người. A sẽ bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

Bên cạnh đó, Điểm 1.1 mục 1 Công văn 45/TANDTC-PC còn quy định người đã được thông báo mắc bệnh; người nghi ngờ mắc bệnh đã được thông báo cách ly thực hiện một trong các hành vi sau đây gây lây truyền dịch bệnh Covid-19 cho người khác thì bị coi là trường hợp thực hiện “hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người” quy định tại Điểm c, Khoản 1, Điều 240 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) và bị xử lý về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người:

- Trốn khỏi nơi cách ly;

- Không tuân thủ quy định về cách ly;

- Từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly, cưỡng chế cách ly.

3. Hỏi: Tôi muốn biết hành vi đưa thông tin sai sự thật, thông tin xuyên tạc về dịch bệnh COVID-19 trên mạng xã hội bị xử lý như thế nào?

Trả lời:

Đăng tải thông tin sai lệch là hành vi vi phạm pháp luật. Các mức xử phạt đối với hành vi thông tin sai sự thật, thông tin xuyên tạc về dịch bệnh COVID-19 trên mạng xã hội được quy định như sau:

- Theo quy định tại Điểm a, Khoản 3, Điều 64 Nghị định số 174/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện, hành vi trên bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng.

- Từ ngày 15-4-2020, đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc về tình hình dịch COVID-19 hoặc cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt về tình hình dịch COVID-19, gây hoang mang trong Nhân dân thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng (theo Điểm a, d Khoản 1 Điều 101 Nghị định số 15/2020/NÐ-CP ngày 03-02-2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử. Nghị định 15/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15-4-2020 và thay thế Nghị định số 174/2013/NĐ-CP).

- Điều 8, Luật An ninh mạng năm 2018 nghiêm cấm hành vi đưa thông tin sai sự thật gây hoang mang trong Nhân dân, gây thiệt hại đến hoạt động kinh tế xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm hại quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác. Người có hành vi này gây hậu quả nguy hiểm cho xã hội sẽ bị xử lý hình sự theo quy định tại Khoản 1, Điều 288 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) về tội Đưa hoặc sử dụng trái phép mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet với mức phạt tù lên đến 3 năm.

- Theo Điểm 1.4 Công văn 45/TANDTC-PC ngày 30-3-2020 của Hội đồng thẩm phán TANDTC về xét xử tội phạm liên quan đến phòng, chống COVID-19, người có hành vi đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông thông tin giả mạo, thông tin xuyên tạc về tình hình dịch bệnh COVID-19, gây dư luận xấu thì bị xử lý về “tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính viễn thông” theo quy định tại Điều 288 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

4. Hỏi: Hành vi đưa thông tin trái phép, xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm người mắc bệnh của V có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không?

Trả lời:

Mục 1 Công văn 45/TANDTC-PC ngày 30-3-2020 của Hội đồng thẩm phán TANDTC về xét xử tội phạm liên quan đến phòng, chống COVID-19 quy định: người có hành vi đưa trái phép thông tin cá nhân, bí mật đời tư xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của nhân viên y tế, người tham gia phòng, chống dịch bệnh Covid-19, người mắc bệnh, người nghi ngờ mắc bệnh Covid-19 thì bị xử lý về “Tội làm nhục người khác” theo quy định tại Điều 155 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Như vậy, theo quy định nêu trên thì hành vi của V sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội làm nhục người khác theo Điều 155 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

5. Hỏi: Anh M nghe loa truyền thanh phường thông báo về yêu cầu người dân phải đeo khẩu trang ở nơi công cộng để phòng dịch Covid-19, nếu không đeo khẩu trang sẽ bị xử phạt hành chính. Anh M hỏi mức xử phạt là bao nhiêu tiền nếu vi phạm quy định này?

Trả lời:

Khoản 1, Điều 11 Nghị định số 176/2013/NĐ-CP ngày 14-11-2013 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế quy định phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong các hành vi: không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế; hoặc không thông báo Ủy ban nhân dân và cơ quan y tế dự phòng trên địa bàn về các trường hợp mắc bệnh dịch theo quy định của pháp luật.

Như vậy, cá nhân có hành vi không đeo khẩu trang ở nơi công cộng để phòng Covid-19 có thể bị phạt tối đa đến 300.000 đồng.

Lưu ý: Mức phạt tiền nêu trên là mức phạt tiền đối với cá nhân. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

6. Hỏi: Quán cafe vẫn tiếp tục hoạt động khi đã công bố dịch bệnh trên cả nước và có chỉ đạo tạm dừng hoạt động của cơ quan có thẩm quyền thì bị xử phạt hành chính như thế nào?

Trả lời:

Khoản 4 Điều 11 Nghị định số 176/2013/NĐ-CP ngày 14-11-2013 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế quy định việc phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi: không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp tạm đình chỉ hoạt động của cơ sở dịch vụ ăn uống công cộng có nguy cơ làm lây truyền bệnh dịch tại vùng có dịch; không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp cấm kinh doanh, sử dụng loại thực phẩm là trung gian truyền bệnh; không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh, dịch vụ tại nơi công cộng.

Như vậy, theo Nghị định số 176/2013/NĐ-CP, quán karaoke, quán cafe vẫn tiếp tục hoạt động khi đã công bố dịch bệnh trên cả nước và có chỉ đạo dừng hoạt động thì bị phạt từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.

7. Hỏi: Người quản lý cơ sở kinh doanh dịch vụ như: quán bar, vũ trường, karaoke, cơ sở thẩm mỹ… thực hiện hoạt động kinh doanh khi đã có quyết định tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh để phòng, chống dịch bệnh COVID-19 của cơ quan, người có thẩm quyền có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không?

Trả lời:

Theo Điểm 1.3 Công văn 45/TANDTC-PC ngày 30-3-2020 của Hội đồng thẩm phán TANDTC về xét xử tội phạm liên quan đến phòng, chống COVID-19 thì chủ cơ sở kinh doanh, người quản lý cơ sở kinh doanh dịch vụ như quán bar, vũ trường, karaoke, dịch vụ mát-xa, cơ sở thẩm mỹ… thực hiện hoạt động kinh doanh khi đã có quyết định tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh để phòng, chống dịch bệnh COVID-19 của cơ quan, người có thẩm quyền, gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng trở lên do phát sinh chi phòng, chống dịch bệnh thì bị xử lý về “Tội vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người theo quy định tại Điều 295 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung  năm 2017). Cụ thể như sau:

- Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm nếu làm chết người; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%; gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

- Phạt tù từ 03 năm đến 07 năm nếu làm chết 02 người; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%; gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng; là người có trách nhiệm về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người.

- Phạt tù từ 06 năm đến 12 năm nếu làm chết 03 người trở lên; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên; gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.

- Vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả là: (i) Làm chết 03 người trở lên; (ii) Gây thương tích hoặc gây tn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tng tỷ lệ tn thương cơ thể của những người này 201% trở lên; (iii) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên, nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

- Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

8. Hỏi: Hành vi cố tình tụ tập đông người tại vùng dịch COVID-19 bị phạt bao nhiêu tiền?

Trả lời:

- Điểm c, Khoản 4, Điều 11 Nghị định số 176/2013/NĐ-CP ngày 14-11-2013 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế quy định phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh, dịch vụ tại nơi công cộng.

- Điểm b, Khoản 6, Điều 11 Nghị định số 176/2013/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện quyết định cấm tập trung đông người tại vùng đã được ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch.

9. Hỏi: Ông V là người vứt khẩu trang đã sử dụng không đúng nơi quy định tại nơi công cộng bị phạt tiền như thế nào?

Trả lời:

Theo quy định tại Điểm c, d Khoản 1 Điều 20 Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18-11-2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường, người vứt khẩu trang đã sử dụng không đúng nơi quy định tại nơi công cộng bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng; nếu vứt trên vỉa hè, đường phố hoặc vào hệ thống thoát nước thải đô thị hoặc hệ thống thoát nước mặt trong khu vực đô thị thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng.

10. Hỏi: Hành vi đưa thuốc dùng trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19 ra khỏi biên giới nhằm thu lợi bất chính có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không? Nếu có thì mức phạt như thế nào?

Trả lời:

Điểm 1.7 Công văn 45/TANDTC-PC ngày 30-3-2020 của Hội đồng thẩm phán TANDTC về xét xử tội phạm liên quan đến phòng, chống COVID-19 quy định: người có hành vi đã, đang hoặc nhằm đưa trái phép thuốc, vật tư y tế dùng vào việc phòng, chống dịch bệnh Covid-19 ra khỏi biên giới nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhằm thu lợi bất chính thì bị xử lý về tội buôn lậu theo quy định tại Điều 188 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017)cụ thể như sau:  

- Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm nếu số thuốc đưa ra khỏi biên giới trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều 188 hoặc tại một trong các Điều 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

- Phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 năm đến 07 năm nếu phạm tội có tổ chức; có tính chất chuyên nghiệp; vật phạm pháp trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; lợi dụng chức vụ, quyền hạn; lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; phạm tội 02 lần trở lên; tái phạm nguy hiểm.

- Phạt tiền từ 1.500.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 07 năm đến 15 năm nếu vật phạm pháp trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng; thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.

- Phạt tù từ 12 năm đến 20 năm nếu vật phạm pháp trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên; thu lợi bất chính 1.000.000.000 đồng trở lên; lợi dụng thiên tai, dịch bệnh hoặc hoàn cảnh đặc biệt khó khăn khác.

- Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

- Pháp nhân thương mại phạm tội này có thể bị phạt tiền tối đa đến 15.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động vĩnh viễn hoặc cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.

11. Hỏi: Hành vi lợi dụng dịch bệnh Covid-19 đưa thông tin không đúng sự thật về công dụng của thuốc nhằm chiếm đoạt tài sản có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không?

Trả lời:

Điểm 1.6 Công văn 45/TANDTC-PC ngày 30-3-2020 của Hội đồng thẩm phán TANDTC về xét xử tội phạm liên quan đến phòng, chống COVID-19 quy định người có hành vi lợi dụng dịch bệnh Covid-19 đưa ra thông tin không đúng sự thật về công dụng của thuốc, vật tư y tế về phòng, chống dịch bệnh nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác thì bị xử lý về “Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung  năm 2017). Theo đó, hình phạt tù chung thân là mức hình phạt cao nhất được áp dụng đối với tội phạm này. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

12. Hỏi: Khi lực lượng chức năng tiến hành đo thân nhiệt để phòng dịch COVID-19, bà G đã không chấp hành yêu cầu, giật khẩu trang và tát đồng chí công an khu vực. Xin hỏi, hành vi của bà G có bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay không?

Trả lời:

Điểm 1.9 Công văn số 45/TANDTC-PC ngày 30-3-2020 của Hội đồng thẩm phán TANDTC về xét xử tội phạm liên quan đến phòng, chống COVID-19 quy định người có hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19 thì bị xử lý về “Tội chống người thi hành công vụ” theo quy định tại Điều 330 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Cụ thể như sau:

Người dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

Đối chiếu với quy định trên, bà G sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức phạt là cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

13. Hỏi: Khu vực nhà K sống đang thuộc khu vực bị cách ly. Mặc dù chưa mắc bệnh COVID- 19, nhưng K lại tự ý trốn khỏi khu vực bị phong tỏa để đến nhà bạn chơi. Hành vi của K đã gây thiệt hại 150.000.000 đồng cho địa phương do phát sinh chi phí phòng, chống dịch bệnh. Hành vi của K có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không?

Trả lời:

Điểm 1.2 Công văn 45/TANDTC-PC ngày 30-3-2020 của Hội đồng thẩm phán TANDTC về xét xử tội phạm liên quan đến phòng, chống COVID-19 quy định người chưa bị xác định mắc bệnh Covid-19 nhưng sống trong khu vực đã có quyết định cách ly, quyết định phong tỏa thực hiện một trong các hành vi sau đây gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng trở lên do phát sinh chi phí phòng, chống dịch bệnh thì bị xử lý về Tội vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người theo quy định tại Điều 295 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017):

- Trốn khỏi khu vực bị cách ly, khu vực bị phong tỏa;

- Không tuân thủ quy định cách ly;

- Từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly, cưỡng chế cách ly;

- Không khai báo y tế, khai báo không đầy đủ hoặc khai báo gian dối.

Như vậy, K sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người.

14. Hỏi: Hành vi bán khẩu trang, dung dịch sát khuẩn cao hơn giá niêm yết sẽ bị phạt tiền bao nhiêu?

Trả lời:

Điều 17 Nghị định 109/2013/NĐ-CP ngày 24-9-2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn quy định về mức xử phạt đối với hành vi lợi dụng khủng hoảng kinh tế, thiên tai, địch họa, hỏa hoạn, dịch bệnh và điều kiện bất thường, lợi dụng chính sách của Nhà nước để định giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý:

- Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng khủng hoảng kinh tế, thiên tai, địch họa, hỏa hoạn, dịch bệnh và điều kiện bất thường khác, lợi dụng chính sách của Nhà nước để định giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý.

- Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc nộp vào ngân sách nhà nước số tiền thu lợi do định giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý.

15. Hỏi: Người che giấu tình trạng bệnh của mình hoặc của người khác khi mắc bệnh COVID-19 bị xử lý như thế nào?

Trả lời:

Theo Điểm a, Khoản 2, Điều 11 Nghị định số 176/2013/NĐ-CP ngày 14-11-2013 của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế, người có hành vi che giấu tình trạng bệnh của mình hoặc của người khác khi mắc bệnh Covid-19 (bệnh truyền nhiễm đã được công bố là có dịch) bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng.

16. Hỏi: Hành vi không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp tạm đình chỉ hoạt động của cơ sở dịch vụ ăn uống công cộng có nguy cơ làm lây truyền dịch bệnh tại vùng có dịch thì bị xử phạt hành chính như thế nào?

Trả lời:

Theo Điểm a, Khoản 4, Điều 11 Nghị định số 176/2013/NĐ-CP ngày 14-11-2013 của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế, hành vi không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp tạm đình chỉ hoạt động của cơ sở dịch vụ ăn uống công cộng có nguy cơ làm lây truyền dịch bệnh tại vùng có dịch thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.

17. Hỏi: Người không thực hiện quyết định kiểm tra, giám sát, xử lý y tế trước khi ra vào vùng có dịch Covid-19 thì bị xử phạt hành chính như thế nào?

Trả lời:

Theo Điểm a, Khoản 5, Điều 11 Nghị định số 176/2013/NĐ-CP ngày 14-11-2013 của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế, người không thực hiện quyết định kiểm tra, giám sát, xử lý y tế trước khi ra vào vùng có dịch thuộc nhóm A (bệnh Covid-19 thuộc nhóm A) bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.

18. Hỏi: Trong thời gian dịch Covid-19 đang xảy ra, có một số cá nhân lợi dụng sự khan hiếm về khẩu trang, thuốc sát trùng và nước rửa tay để mua vét các mặt hàng này và nâng giá bán gấp nhiều lần nhằm thu lợi bất chính. Hành vi vi phạm này sẽ bị xử lý như thế nào?

Trả lời:

(i) Về xử phạt vi phạm hành chính:

Đối với hành vi này, Điều 46 Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15-11-2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định như sau:

- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa để mua vét hàng hóa có giá trị từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng nhằm bán lại thu lợi bất chính mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm nêu trên có giá trị từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng.

- Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm nêu trên có giá trị từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

- Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm nêu trên có giá trị từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.

- Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm nêu trên có giá trị từ 1.000.000.000 đồng trở lên.

- Bên cạnh đó, người có hành vi vi phạm còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung sau:

+ Tịch thu tang vật đối với hành vi vi phạm.

+ Tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, giấy phép kinh doanh, chứng chỉ hành nghề từ 06 tháng hoặc đến 12 tháng đối với hành vi vi phạm trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm.

+ Đình chỉ hoạt động kinh doanh hàng hóa vi phạm từ 06 tháng đến 12 tháng đối với hành vi vi phạm trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm.

- Biện pháp khắc phục hậu quả: Người có hành vi vi phạm còn bị buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.

(ii) Về xử lý hình sự:

- Điểm 1.8 Công văn số 45/TANDTC-PC ngày 30-3-2020 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về xét xử tội phạm liên quan đến phòng, chống COVID-19 quy định: người có hành vi lợi dụng sự khan hiếm hoặc tạo sự khan hiếm giả tạo trong tình hình dịch bệnh Covid-19 để mua vét hàng hoá đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền công bố là mặt hàng bình ổn giá hoặc hàng hoá được Nhà nước định giá nhằm bán lại để thu lời bất chính thì bị xử lý về “Tội đầu cơ" theo quy định tại Điều 196 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi năm 2017). Theo đó, người có hành vi này bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 3 năm.

- Người phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1,5 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 03 đến 07 năm: Có tổ chức; lợi dụng chức vụ, quyền hạn; lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; hàng hóa trị giá từ 1,5 tỷ đồng đến 3 tỷ đồng; thu lợi bất chính từ 500 triệu đồng đến dưới một tỷ đồng; gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

- Người phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau bị phạt tiền từ 1,5 tỷ đồng đến 5 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 07 đến 15 năm: Hàng hóa trị giá 3 tỷ đồng trở lên; thu lợi bất chính một tỷ đồng trở lên; tái phạm nguy hiểm.

- Pháp nhân thương mại phạm tội đầu cơ có thể bị xử phạt từ 300 triệu đồng đến 9 tỷ đồng; cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.

19. Hỏi: Do nhu cầu sử dụng khẩu trang y tế của người dân tăng cao khi dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, ông Q đã làm giả mẫu mã của khẩu trang y tế 4 lớp. Sau đó, ông Q đã bị cơ quan chức năng kiểm tra, phát hiện. Xin hỏi, hành vi sản xuất khẩu trang giả của ông Q bị xử lý như thế nào?

Trả lời:

Việc sản xuất, kinh doanh khẩu trang y tế nếu không tuân theo các điều kiện về sản xuất có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng. Vì vậy, đối với hành vi sản xuất khẩu trang giả, tùy theo tính chất mức độ, động cơ và giá trị trục lợi có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, cụ thể như sau:

- Theo Khoản 1, Điều 12 Nghị định số 185/2013/NĐ-CP thì mức phạt tiền đối với hành vi sản xuất hàng giả không có giá trị sử dụng, công dụng từ 3.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng.

Ngoài ra, hành vi này còn có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung (như: Tịch thu tang vật vi phạm; tịch thu phương tiện là công cụ, máy móc và vật khác được sử dụng để sản xuất hàng giả…) và biện pháp khắc phục hậu quả (như: buộc tiêu hủy tang vật đối với hành vi vi phạm; buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm; buộc thu hồi tiêu hủy hàng giả đang lưu thông trên thị trường).

- Trong trường hợp cơ quan chức năng có thẩm quyền xác định có đủ yếu tố cấu thành tội phạm, hành vi của ông Đ có thể bị khởi tố để điều tra, xử lý hình sự theo quy định tại Điều 192 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi năm 2017) về “Tội sản xuất, buôn bán hàng giả” và người phạm tội có thể bị áp dụng hình phạt cao nhất là 15 năm tù. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 5 năm hoặc  tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

20. Hành vi lợi dụng việc mua bán hàng hóa online để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người mua trong thời gian dịch COVID-19 như: quảng cáo hàng giá rẻ, yêu cầu người mua phải đặt cọc trước nhưng không giao hàng và chiếm đoạt tiền đặt cọc... thì bị xử lý như thế nào?

Trả lời:

 - Theo quy định tại Điểm c, Khoản 1, Điều 15 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12 -11 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình, dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản của người khác sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng. Ngoài ra, người vi phạm còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

- Hành vi nói trên còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017). Tùy tính chất và mức độ vi phạm, người phạm tội sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 20 năm hoặc tù chung thân.

Đặc biệt, tại Khoản 3, Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) có quy định “lợi dụng thiên tai, dịch bệnh” là tình tiết tăng nặng định khung với mức hình phạt tù áp dụng là từ 7 năm đến 15 năm.

- Bên cạnh đó, theo Điều 8 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010, người tiêu dùng có quyền khiếu nại, tố cáo, khởi kiện hoặc đề nghị tổ chức xã hội khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của mình theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

21. Tổ chức xét xử đối với vụ án liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19 được quy định như thế nào?

Trả lời:

Mục 3 Công văn 45/TANDTC-PC ngày 30-3-2020 của Hội đồng thẩm phán -Tòa án nhân dân tối cao về xét xử tội phạm liên quan đến phòng, chống COVID-19 quy định:

- Tòa án nhân dân chủ động phối hợp với Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát cùng cấp để áp dụng thủ tục rút gọn đối với vụ án có đủ điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn theo quy định tại Điều 456 của Bộ luật Tố tụng hình sự; đối với vụ án không đủ điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn thì đưa ra xét xử trong thời hạn không quá ½ thời hạn theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự;

- Trong thời gian có dịch bệnh Covid-19, phải đưa các vụ án liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19 ra xét xử nhưng bảo đảm quy định về phòng, chống dịch (như: phòng xử án bố trí tối đa không quá 10 người; trường hợp phải triệu tập người tham gia phiên tòa vượt quá số lượng này thì phải bố trí cho họ ngồi ở phòng khác và sử dụng các thiết bị điện tử (micro, loa, ti vi, camera...) để họ tham gia phiên tòa hoặc xét xử lần lượt từng bị cáo, người tham gia tố tụng; bố trí khoảng cách giữa những người tham gia phiên tòa tối thiểu là 02 mét...).

- Chỉ cho người được Tòa án triệu tập vào phòng xử án để tham dự phiên tòa;

- Trong quá trình xét xử, cần có phương án tuyên truyền phù hợp (như đưa thông tin, hình ảnh, bài viết, phóng sự... về việc xét xử vụ án trên các phương tiện thông tin đại chúng) để bảo đảm công tác giáo dục, phòng ngừa chung.