TÀI LIỆU GIỚI THIỆU, PHỔ BIẾN LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT CÔNG AN NHÂN DÂN

23/01/2024

 

TÀI LIỆU GIỚI THIỆU, PHỔ BIẾN

LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA

LUẬT CÔNG AN NHÂN DÂN

–––––––––––

 

Ngày 22/6/2023, Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XV, kỳ họp thứ 5 đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 15/8/2023.

I. SỰ CẦN THIẾT BAN HÀNH LUẬT

1. Cơ sở chính trị

Ngày 16/3/2022, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 12-NQ/TW về đẩy mạnh xây dựng lực lượng Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới; trong đó, Bộ Chính trị có chỉ đạo “Xây dựng, hoàn thiện pháp luật về an ninh, trật tự, xây dựng lực lượng, hậu cần, kỹ thuật Công an nhân dân và pháp luật có liên quan, nhất là Luật Công an nhân dân (sửa đổi)”.

Thực hiện Kết luận số 19-KL/TW ngày 14/10/2021 của Bộ Chính trị về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và Đề án số 292-ĐA/ĐĐQH15 ngày 20/10/2021 của Đảng đoàn Quốc hội về Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV (2021-2026), Chính phủ đã giao Bộ Công an tiến hành tổng kết, rà soát Luật Công an nhân dân năm 2018.

Thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội: “Từ năm 2021, thực hiện điều chỉnh tuổi nghỉ hưu theo mục tiêu tăng tuổi nghỉ hưu chung, thu hẹp dần khoảng cách về giới trong quy định tuổi nghỉ hưu; đối với những ngành nghề đặc biệt, người lao động được quyền nghỉ hưu sớm, hoặc muộn hơn 5 tuổi so với tuổi nghỉ hưu chung”.

2. Cơ sở thực tiễn

Kết quả tổng kết, rà soát Luật Công an nhân dân năm 2018, quá trình thi hành Luật đã bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc, chưa phù hợp với thực tiễn, công tác công an, cụ thể như sau:                                      

Thứ nhất, hạn tuổi phục vụ cao nhất của sĩ quan, hạ sĩ quan, công nhân công an chưa phù hợp với quy định về tăng tuổi nghỉ hưu của người lao động trong Bộ luật Lao động năm 2019 và thực tiễn thi hành nhiệm vụ của lực lượng Công an nhân dân.

Thứ hai, Luật Công an nhân dân năm 2018 chưa quy định cụ thể tiêu chuẩn, tiêu chí để thăng cấp bậc hàm cấp Tướng trước thời hạn đối với sĩ quan Công an nhân dân có thành tích đặc biệt xuất sắc đạt được trong chiến đấu và công tác nên việc áp dụng còn khó khăn, bất cập.

Thứ ba, quy định về cấp bậc hàm cao nhất đối với một số chức vụ, chức danh của sĩ quan Công an nhân dân chưa phù hợp với cơ cấu, tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của một số đơn vị trong Công an nhân dân.

  Từ cơ sở chính trị và thực tiễn thi hành Luật Công an nhân dân 2018 nêu trên, việc Quốc hội ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân là cần thiết.

II. QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU CHÍNH SÁCH CỦA LUẬT

1. Quan điểm xây dựng Luật

1.1.  Bảo đảm thống nhất, đồng bộ với quy định về tăng tuổi nghỉ hưu của Bộ luật Lao động năm 2019; khắc phục khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật Công an nhân dân năm 2018;

1.2.  Bảo đảm tính hợp hiến, thống nhất, đồng bộ trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; trên cơ sở tổng kết thực tiễn thi hành Luật Công an nhân dân và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan; kế thừa các quy định còn phù hợp, bổ sung các quy định mới và sửa đổi các quy định vướng mắc để kịp thời đáp ứng yêu cầu thực tiễn;

1.3.  Bảo đảm lực lượng Công an nhân dân đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện về mọi mặt của Đảng, sự thống lĩnh của Chủ tịch nước, sự quản lý của Chính phủ, sự chỉ huy, quản lý trực tiếp của Bộ trưởng Bộ Công an, dựa vào Nhân dân và chịu sự giám sát của Nhân dân.

2. Mục tiêu chính sách

2.1. Thể chế hóa Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 16/3/2022 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh xây dựng lực lượng Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới;

2.2. Thể chế hóa quan điểm chỉ đạo điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu tại Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội: "Từ năm 2021, thực hiện điều chỉnh tuổi nghỉ hưu theo mục tiêu tăng tuổi nghỉ hưu chung, thu hẹp dần khoảng cách về giới trong quy định tuổi nghỉ hưu; đối với những ngành nghề đặc biệt, người lao động được quyền nghỉ hưu sớm, hoặc muộn hơn 5 tuổi so với tuổi nghỉ hưu chung".

III. BỐ CỤC, NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA LUẬT

1. Bố cục của Luật

Luật gồm 02 điều, cụ thể:

- Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân: gồm các Điều 22, 23, 25, 29, 30 và Điều 42;

- Điều 2. Hiệu lực thi hành.

2. Về nội dung cơ bản của Luật

2.1. Về phạm vi, đối tượng áp dụng

Phạm vi, đối tượng áp dụng của Luật không thay đổi so với Luật Công an nhân dân năm 2018.

2.2. Quy định sửa đổi, bổ sung về thăng cấp bậc hàm và vị trí cấp bậc hàm cao nhất

Về đối tượng được xét thăng cấp bậc hàm, Điều 22 sửa đổi, bổ sung khoản 4 quy định: Sĩ quan được xét thăng cấp bậc hàm từ Đại tá lên Thiếu tướng phải còn ít nhất đủ 03 năm công tác; trường hợp không còn đủ 03 năm công tác khi có yêu cầu do Chủ tịch nước quyết định.

Về tiêu chuẩn, tiêu chí thăng cấp bậc hàm trước thời hạn hoặc vượt bậc, Điều 23 bổ sung khoản 4 quy định: Chính phủ quy định cụ thể tiêu chuẩn, tiêu chí thăng cấp bậc hàm cấp Tướng trước thời hạn; Bộ trưởng Bộ Công an quy định cụ thể tiêu chuẩn, tiêu chí thăng cấp bậc hàm trước thời hạn và vượt bậc đối với sĩ quan Công an nhân dân có thành tích đặc biệt xuất sắc đạt được trong chiến đấu và công tác.

Về quy định cụ thể đối với vị trí có cấp bậc hàm cao nhất, Điều 25 sửa đổi, bổ sung điểm b, d, e khoản 1, khoản 2 và khoản 4 theo hướng: Bổ sung quy định cụ thể 06 vị trí có cấp bậc hàm cao nhất là cấp Tướng trong Công an nhân dân, gồm: 01 vị trí có cấp bậc hàm cao nhất là Thượng tướng; 05 vị trí có cấp bậc hàm cao nhất là Thiếu tướng; quy định Trung đoàn trưởng ở các đơn vị trực thuộc Bộ, Công an thành phố Hà Nội, Công an Thành phố Hồ Chí Minh, Trưởng phòng tổ chức cán bộ, công tác đảng và công tác chính trị, Trưởng Công an thành phố thuộc Công an thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh có cấp bậc hàm cao nhất là Đại tá.

2.3. Quy định sửa đổi, bổ sung về hạn tuổi phục vụ cao nhất

- Đối với sĩ quan Công an nhân dân:

Điều 30 sửa đổi, bổ sung khoản 1, khoản 1a theo hướng: Tăng 2 tuổi của sĩ quan, hạ sĩ quan; riêng nữ sĩ quan có cấp bậc hàm Đại tá tăng 5 tuổi, nữ sĩ quan có cấp bậc hàm Thượng tá tăng 3 tuổi; bổ sung quy định kéo dài hạn tuổi phục vụ cao nhất đối với sĩ quan Công an nhân dân trong trường hợp đặc biệt.

Hạn tuổi phục vụ cao nhất của nam sĩ quan có cấp bậc hàm cao nhất là Đại tá, cấp Tướng, nữ sĩ quan có cấp bậc hàm cao nhất là Thượng tá, Đại tá thực hiện theo lộ trình về tuổi nghỉ hưu đối với người lao động như quy định của Bộ luật Lao động. Giao Chính phủ quy định chi tiết khoản này.

- Đối với công nhân công an, Điều 42 sửa đổi, bổ sung khoản 2 theo hướng: Hạn tuổi phục vụ cao nhất của công nhân công an: Nam 62, nữ 60 và thực hiện theo lộ trình về tuổi nghỉ hưu đối với người lao động như quy định của Bộ luật Lao động. Giao Chính phủ quy định chi tiết khoản này.

Ngoài các nội dung nêu trên, Luật còn sửa đổi kỹ thuật tại một số điểm, khoản của Luật Công an nhân dân năm 2018 cho phù hợp với nội dung sửa đổi quy định về hạn tuổi phục vụ cao nhất của sĩ quan, hạ sĩ quan Công an nhân dân.

2.4. Về hiệu lực thi hành

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 8 năm 2023.

  IV. CÁC ĐIỀU KIỆN BẢO ĐẢM THỰC HIỆN LUẬT

Thứ nhất, nguồn tài lực và nhân lực bảo đảm cho việc thi hành Luật sau khi được Quốc hội thông qua không lớn; vì phạm vi sửa đổi, bổ sung Luật Công an nhân dân không nhiều (một số điểm, khoản tại 06/46 điều);

Thứ hai, số lượng sĩ quan được thăng cấp bậc hàm cấp Tướng trước thời hạn, vị trí có cấp bậc hàm cao nhất là cấp Tướng được bổ sung rất ít; tiết kiệm được kinh phí chi trả chế độ, chính sách đối với sĩ quan, hạ sĩ quan được kéo dài hạn tuổi phục vụ cao nhất so với kinh phí phải tuyển dụng mới, đào tạo, bồi dưỡng công dân phục vụ trong Công an nhân dân để thay thế sĩ quan, hạ sĩ quan hết hạn tuổi phục vụ cao nhất;

Thứ ba, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân không tác động đến tổ chức, bộ máy hiện hành, cơ sở vật chất, nguồn nhân lực thực hiện. Do đó, việc sửa đổi, bổ sung này không gây áp lực đối với ngân sách nhà nước.

V. TRIỂN KHAI HOẠT ĐỘNG THI HÀNH LUẬT

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV, kỳ họp thứ 5 thông qua vào ngày 22/6/2023.

Trong nửa cuối năm 2023 và nửa đầu năm 2024, Bộ Công an đã có kế hoạch và chủ trì biên soạn, in, cấp phát tài liệu, tuyên truyền, phổ biến Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân năm 2018 cho cán bộ, chiến sĩ trong công an nhân dân, cán bộ, công chức và nhân dân; xây dựng và triển khai kế hoạch tập huấn chuyên sâu về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân năm 2018 cho cán bộ lãnh đạo chủ chốt, báo cáo viên pháp luật Công an các cấp, các học viện, nhà trường trong Công an nhân dân.

Cùng với đó, Bộ Thông tin và Truyền thông lên kế hoạch, chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật của Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình ở Trung ương và địa phương tuyên truyền, phổ biến Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân năm 2018 và các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết, biện pháp thi hành.

Các bộ, ngành có liên quan, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm tổ chức tuyên truyền, phổ biến Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân năm 2018 trong cơ quan, đơn vị, địa phương.

Ngày 18/7/2023, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 857/QĐ-TTg ngày 18/7/2023 ban hành Danh mục và phân công cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy định chi tiết thi hành các luật, nghị quyết được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 5. Theo đó, Bộ Công an chủ động phối hợp với các cơ quan của Quốc hội trong quá trình soạn thảo văn bản quy định chi tiết điểm b khoản 3 Điều 1 của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân (sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 25 của Luật Công an nhân dân).

Bộ Công an đã triển khai xây dựng dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Công an nhân dân và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, duyệt ký.

          Đồng thời, Bộ Công an đã tiến hành xây dựng dự thảo các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân, trình cấp có thẩm quyền xem xét, ban hành./.

Nghiệp vụ phổ biến giáo dục pháp luật

Chuyên mục