Sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định liên quan đến quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô, dịch vụ đào tạo lái xe ô tô và dịch vụ sát hạch lái xe

22/04/2024

Ngày 16/04/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 41/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định liên quan đến quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô, đào tạo lái xe ô tô và dịch vụ sát hạch lái xe.

Theo đó, Nghị định này sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 65/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ quy định điều kiện kinh doanh dịch vụ đào tạo lái xe và dịch vụ sát hạch lái xe (đã được sửa đổi tại Nghị định số 138/2018/NĐ-CP ngày 08 tháng 10 năm 2018, Nghị định số 70/2022/NĐ-CP ngày 27 tháng 9 năm 2022); Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 10/2020/NĐ-CP ngày 17 tháng 01 năm 2020 của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô (đã được sửa đổi, bổ sung một số điều tại Nghị định số 47/2022/NĐ-CP ngày 19 tháng 7 năm 2022) và Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 119/2021/NĐ-CP ngày 24 tháng 11 năm 2021 của Chính phủ quy định về trình tự, thủ tục cấp, cấp lại, thu hồi Giấy phép vận tải đường bộ qua biên giới.

Sửa đổi quy định về Hệ thống phòng học chuyên môn, theo đó:

(1) Phòng học lý thuyết: Có các trang thiết bị làm công cụ hỗ trợ việc giảng dạy về các nội dung: Pháp luật giao thông đường bộ, đạo đức người lái xe, văn hóa giao thông, phòng chống tác hại của rượu, bia khi tham gia giao thông và phòng chống cháy nổ và cứu nạn, cứu hộ; hệ thống báo hiệu đường bộ, sa hình trang bị bằng hình thức hệ thống tranh vẽ hoặc được thiết kế dưới dạng điện tử;

(2) Phòng học Kỹ thuật ô tô: Có các thiết bị công nghệ trình chiếu làm công cụ hỗ trợ việc giảng dạy về cấu tạo, sửa chữa thông thường và kỹ thuật lái xe; trường hợp các thiết bị công nghệ trình chiếu chưa có video, hình ảnh mô phỏng, hệ thống treo, hệ thống phanh, hệ thống lái, các thao tác lái xe cơ bản (điều chỉnh ghế lái, tư thế ngồi lái, vị trí cầm vô lăng lái...), phải có hình hoặc tranh vẽ; có mô hình cắt bổ động cơ, hệ thống truyền lực và mô hình hệ thống điện; trường hợp chưa có mô hình cắt bổ động cơ, hệ thống truyền lực và mô hình hệ thống điện, phải sử dụng các thiết bị trình chiếu có video, hình ảnh để mô phỏng. Trang bị đồ nghề chuyên dùng để hướng dẫn học sinh thực hành tháo lắp lốp, kiểm tra dầu xe, nước làm mát (có thể bố trí ở nơi riêng biệt); có xe ô tô được kê kích bảo đảm an toàn để tập số nguội, số nóng (có thể bố trí ở nơi riêng biệt); có thiết bị mô phỏng để đào tạo lái xe;

(3) Cơ sở đào tạo lái xe ô tô bố trí số lượng phòng học lý thuyết và phòng học Kỹ thuật ô tô phù hợp với lưu lượng học viên và chương trình đào tạo; với lưu lượng dưới 500 học viên phải có ít nhất 01 phòng học lý thuyết và 01 phòng học Kỹ thuật ô tô; với lưu lượng từ 500 học viên đến 1.000 học viên phải có ít nhất 02 phòng học lý thuyết và 02 phòng học Kỹ thuật ô tô; với lưu lượng trên 1.000 học viên phải có ít nhất 03 phòng học lý thuyết và 03 phòng học Kỹ thuật ô tô.

 Giáo viên dạy lái xe phải đáp ứng tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật về giáo dục nghề nghiệp. Sở Giao thông vận tải cấp Giấy chứng nhận giáo viên dạy thực hành lái xe cho giáo viên thuộc các cơ sở đào tạo do địa phương quản lý hoặc các cá nhân.

Hồ sơ cấp Giấy chứng nhận giáo viên dạy thực hành lái xe bao gồm (1) Đơn đề nghị theo mẫu quy định tại Phụ lục IV kèm theo Nghị định này; (2) Bằng tốt nghiệp trung cấp trở lên (bản sao kèm bản chính để đối chiếu hoặc bản sao có chứng thực hoặc bản sao được chứng thực điện tử từ bản chính); (3) Chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm (bản sao kèm bản chính để đối chiếu hoặc bản sao có chứng thực hoặc bản sao được chứng thực điện tử từ bản chính); (4) 01 ảnh màu cỡ 3 cm x 4 cm nền màu xanh, kiểu thẻ căn cước, được chụp trong thời gian không quá 06 tháng. Trường hợp giấy tờ về bằng tốt nghiệp trung cấp trở lên và chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm đã được tích hợp vào tài khoản định danh điện tử thì việc xuất trình, kiểm tra có thể thực hiện thông qua tài khoản định danh điện tử.

Cá nhân có nhu cầu cấp Giấy chứng nhận giáo viên dạy thực hành lái xe lần đầu lập 01 bộ hồ sơ theo quy định tại khoản 1 Điều này gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu chính đến cơ sở đào tại lái xe; Cơ sở đào tạo lái xe tiếp nhận hồ sơ của cá nhân, bảo đảm các điều kiện đối với người tham dự tập huấn theo quy định tại Điều 8 của Nghị định này và tổ chức tập huấn theo chương trình tập huấn về nghiệp vụ giáo viên dạy thực hành lái xe theo quy định của Bộ Giao thông vận tải. Trong thời hạn không quá 03 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc chương trình tập huấn, cơ sở đào tạo có văn bản theo mẫu quy định tại Phụ lục V kèm theo Nghị định này và hồ sơ của cá nhân tham dự tập huấn gửi Sở Giao thông vận tải đề nghị kiểm tra cấp Giấy chứng nhận giáo viên dạy thực hành lái xe bằng một trong các hình thức: Trực tiếp, bưu chính, văn bản điện tử;

Sở Giao thông vận tải tiếp nhận danh sách do cơ sở đào tạo lập và hồ sơ cá nhân; trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, chính xác, trong thời hạn 02 ngày làm việc phải có văn bản nêu rõ nội dung, lý do đề nghị cơ sở đào tạo lái xe bổ sung đầy đủ, chính xác; trong thời hạn không quá 05 ngày làm việc, kể từ khi nhận hồ sơ đầy đủ theo quy định, tổ chức kiểm tra, đánh giá. Trường hợp cá nhân không đủ điều kiện, Sở Giao thông vận tải phải trả lời bằng văn bản cho cơ sở đào tạo và nêu rõ lý do;

Trong thời hạn không quá 03 ngày làm việc, kể từ ngày đạt kết quả kiểm tra, Sở Giao thông vận tải cấp Giấy chứng nhận giáo viên dạy thực hành lái xe và trả trực tiếp cho cá nhân hoặc gửi qua đường bưu chính, vào sổ theo dõi theo mẫu quy định tại Phụ lục VI kèm theo Nghị định này. Trường hợp cá nhân không đạt kết quả, Sở Giao thông vận tải phải thông báo bằng văn bản cho cá nhân.

Sở Giao thông vận tải: Xây dựng, điều chỉnh, bổ sung danh mục mạng lưới tuyến cố định nội tỉnh; thống nhất với Sở Giao thông vận tải đầu tuyến bên kia để thực hiện xây dựng, điều chỉnh, bổ sung danh mục mạng lưới tuyến cố định liên tỉnh theo nguyên tắc ổn định các tuyến đã công bố; đối với các tỉnh, thành phố có bến xe bảo đảm tổ chức vận tải theo hương tuyến cần tuân thủ nguyên tắc tuyến vận tải đi theo hướng nào thì điểm đầu, điểm cuối là bến xe hướng đó

Bến xe khách phải sử dụng phần mềm quản lý bến xe khách để quản lý hoạt động xe ra, vào bến và cung cấp thông tin (gồm: Tên bến xe; tên doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải; họ và tên lái xe; biển kiểm soát xe; tuyến hoạt động; giờ xe xuất bến; số lượng hành khách khi xe xuất bến thực tế) trên Lệnh vận chuyển của từng chuyến xe hoạt động tại bến về Cục Đường bộ Việt Nam. Doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô theo tuyến cố định thực hiện lưu trữ Lệnh vận chuyển của các chuyến xe đã thực hiện trong thời gian tối thiểu 03 năm

Các đơn vị kinh doanh vận tải, Trong thời gian 01 tháng, có từ 30% trở lên số phương tiện của đơn vị bị xử lý vi phạm thu hồi, bị tước phù hiệu, biển hiệu.

Đối với Giấy chứng nhận giáo viên dạy thực hành lái xe, Giấy phép xe tập lái, Giấy phép đào tạo lái xe ô tô, Giấy chứng nhận trung tâm sát hạch lái xe đủ điều kiện hoạt động do cơ quan có thẩm quyền cấp trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành, tiếp tục sử dụng cho đến khi hết thời hạn. Cơ sở đào tạo lái xe ô tô thực hiện trang bị thiết bị giám sát thời gian và quãng đường học thực hành lái xe của học viên trên xe tập lái trên sân tập lái kể từ ngày Quy chuẩn thay thế Quy chuẩn QCVN 105:2020/BGTVT (Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết bị giám sát thời gian và quãng đường học thực hành lái xe) có hiệu lực thi hành. Hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận trung tâm sát hạch lái xe đủ điều kiện hoạt động đã được Cục Đường bộ Việt Nam tiếp nhận để xử lý trước ngày Nghị định này có hiệu lực thì thực hiện theo quy định tại Nghị định số 65/2016/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 138/2018/NĐ-CP. Giấy phép vận tải loại D do Cục Đường bộ Việt Nam cấp trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành, tiếp tục sử dụng cho đến khi hết thời hạn.

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/6/2024./. 

TGV


Nghiệp vụ phổ biến giáo dục pháp luật

Chuyên mục