Nghiên cứu áp dụng tư pháp phục hồi cho người chưa thành niên phù hợp với Việt Nam

26/11/2020
Hội nghị được tổ chức dưới hình thức trực tuyến tại 2 điểm cầu: Điểm cầu Hà Nội (Việt Nam) và điểm cầu Paris (Cộng hòa Pháp) trong thời gian 03 ngày: Ngày 03, 23 và 24/11/2020. Hội nghị được khai mạc hồi 13 giờ 30 phút (giờ Việt Nam) ngày 03/11/2020 (xem bài viết buổi khai mạc tại đây).
Sau 03 ngày làm việc, các đại biểu đã được nghe các chuyên gia ​của Trường Đào tạo quốc gia về bảo vệ tư pháp và trẻ em, Cộng hòa Pháp giới thiệu về quyền trẻ em, khái niệm tư pháp phục hồi, tầm quan trọng của áp dụng tư pháp phục hồi đối với người chưa thành niên, khung pháp lý, các phương thức và mô hình tư pháp phục hồi cho người chưa thành niên, quy trình tổ chức cuộc họp phục hồi và hòa giải cho người chưa thành niên vi phạm pháp luật hoặc người chưa thành niên là nạn nhân của tội phạm của Bỉ, Pháp, Burkina Faso; cơ quan quản lý nhà nước; đào tạo đội ngũ tham gia thực hiện hỗ trợ tư pháp phục hồi, hòa giải; truyền thông về tư pháp phục hồi; giám sát và đánh giá các chương trình về tư pháp phục hồi… Đồng thời chuyên gia của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp cũng giới thiệu quy định pháp luật Việt Nam về hòa giải tại cộng đồng, hòa giải ở cơ sở. Trên cơ sở đó các đại biểu tham dự hội nghị đã tích cực trao đổi, thảo luận với các chuyên gia để tìm hiểu rõ hơn về kinh nghiệm quốc tế về vấn đề này. Bên cạnh đó, cũng trao đổi những điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức đối với Việt Nam trong quá trình triển khai áp dụng tư pháp phục hồi cho tại Việt Nam; khuyến nghị những giải pháp thúc đẩy và áp dụng tư pháp phục hồi cho người chưa thành niên phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh của Việt Nam.
 
Tại Việt Nam, các cấp chính quyền, xã hội dành sự quan tâm đặc biệt đối với người chưa thành niên; đã có nhiều quy định pháp luật liên quan đến tư pháp phục hồi và xử lý chuyển hướng đối với người chưa thành niên, việc triển khai trên thực tiễn đã đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, khi triển khai thực hiện tư pháp phục hồi, Việt Nam vẫn còn gặp những khó khăn, vướng mắc và thách thức như: Nhận thức về tư pháp phục hồi của cán bộ, công chức và người dân còn chưa sâu sắc, đầy đủ; chưa có quy định pháp luật chung thống nhất, còn tản mạn ở nhiều văn bản pháp luật khác nhau; đội ngũ cán bộ, công chức tham gia triển khai tư pháp phục hồi còn mỏng, chưa được đào tạo chuyên sâu về chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng… Vì vậy, để triển khai có hiệu quả tư pháp phục hồi nói chung và tư pháp phục hồi cho người chưa thành niên nói riêng, Việt Nam cần phải có chiến lược tổng thể, tiếp tục hoàn thiện thể chế, nâng cao nhận thức của xã hội về vấn đề tư pháp phục hồi và xây dựng chương trình, giáo trình về nội dung tư pháp phục hồi, tăng cường tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, đặc biệt là kỹ năng cho đội ngũ thực hiện công tác này…
Phát biểu bế mạc Hội nghị, bà Ngô Quỳnh Hoa, Phó Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật cho rằng nội dung kiến thức trao đổi trong 03 ngày tổ chức hội nghị rất hữu ích, thiết thực đối với Việt Nam. Bà Ngô Quỳnh Hoa trân trọng cảm ơn và đánh giá cao sự tích cực và trách nhiệm của các chuyên gia đến từ Trường Đào tạo quốc gia về bảo vệ tư pháp và trẻ em, Cộng hòa Pháp. Trong thời gian tiếp theo, hi vọng các chuyên gia Pháp và tổ chức UNICEF sẽ tiếp tục đồng hành cùng Bộ Tư pháp Việt Nam để nghiên cứu, xây dựng và áp dụng có hiệu quả công tác tư pháp phục hồi cho người chưa thành niên tại Việt Nam.

Đại diện UNICEF và các chuyên gia Pháp ghi nhận và đánh giá cao tinh thần nghiêm túc học tập, trao đổi thảo luận tích cực của các đại biểu tham dự Hội nghị, họ cũng hiểu rõ hơn các quy định về xử lý chuyển hướng, hòa giải đối với người chưa thành niên vi phạm pháp luật tại Việt Nam. Trong thời gian tới, các chuyên gia Pháp và UNICEF sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Tư pháp Việt Nam trong nghiên cứu và triển khai các hoạt động nghiên cứu, tập huấn, xây dựng tài liệu về tư pháp phục hồi dành cho người chưa thành niên vi phạm pháp luật hiệu quả, phù hợp với bối cảnh Việt Nam.

Nghiệp vụ phổ biến giáo dục pháp luật

Chuyên mục