Phú Thọ tích cực chuẩn bị cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026

21/03/2021

Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 là sự kiện chính trị có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Thời điểm này, tỉnh Phú Thọ đã và đang tích cực triển khai, thực hiện công tác chuẩn bị cho cuộc bầu cử theo đúng kế hoạch, hướng dẫn của Trung ương.

Cán bộ phòng Xây dựng chính quyền - Sở Nội Vụ tiếp nhận hồ sơ ứng cử ĐBQH và đại biểu HĐND cấp tỉnh (Ảnh chụp ngày 11/3/2021)

Đảm bảo tiến độ triển khai công tác bầu cử

Xác định rõ vai trò, ý nghĩa chính trị của cuộc bầu cử, tỉnh Phú Thọ đã bám sát Chỉ thị số 45-CT/TW ngày 20/6/2020 của Bộ Chính trị về lãnh đạo cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, các kế hoạch của Hội đồng bầu cử Quốc gia để khẩn trương triển khai công tác bầu cử trên địa bàn.

Ngày 28/12/2020, Tỉnh ủy Phú Thọ đã ban hành Chỉ thị số 02/CT-TU ngày về lãnh đạo cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026; ngày 27/1/2021, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 355/KH-UBND về triển khai công tác bầu cử. Đồng thời thành lập Ban Chỉ đạo cuộc bầu cử của tỉnh gồm 17 thành viên do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh làm Trưởng ban; thành lập Ủy ban bầu cử tỉnh với 31 thành viên và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên để lãnh đạo, chỉ đạo công tác bầu cử trên địa bàn tỉnh đạt hiệu quả nhất.

Tỉnh cũng đã ban hành quyết định thành lập 3 Ban bầu cử ĐBQH ở 3 đơn vị bầu cử ĐBQH khóa XV tỉnh Phú Thọ và 16 Ban bầu cử đại biểu HĐND tỉnh Phú Thọ, nhiệm kỳ 2021 - 2026 ở 16 đơn vị bầu cử.

Trên cơ sở chỉ đạo của tỉnh, 13/13 huyện, thành, thị; 225/225 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo, Ủy ban bầu cử theo đúng thời gian và thành phần quy định để lãnh đạo công tác bầu cử; chỉ đạo giải quyết kịp thời những vấn đề phát sinh trong quá trình chuẩn bị để tổ chức bầu cử ĐBQH và bầu cử đại biểu HĐND các cấp ở địa phương.

Cơ quan Huyện ủy Hạ Hòa lấy ý kiến cử tri nơi công tác đối với người được giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND tỉnh và HĐND huyện nhiệm kỳ 2021 - 2026 (Ảnh chụp ngày 4/3/2021)

Các địa phương cũng đã tổ chức hội nghị quán triệt, triển khai thực hiện các văn bản, hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh, của huyện về công tác bầu cử; tổ chức tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của cuộc bầu cử. Đồng thời đã thống nhất dự kiến cơ cấu, thành phần, số lượng người được ứng cử đại biểu HĐND các cấp và tổ chức hiệp thương lần thứ nhất đảm bảo theo đúng quy định. Bên cạnh đó, các đơn vị, địa phương cũng đang tích cực tổ chức hội nghị lấy ý kiến nhận xét của cử tri nơi công tác đối với từng người được dự kiến ứng cử.

Chuẩn bị chu đáo việc tổ chức lấy ý kiến nhận xét, tín nhiệm của cử tri nơi cư trú

Theo báo cáo kết quả hội nghị hiệp thương lần thứ hai của Ủy ban MTTQ tỉnh, số lượng người được giới thiệu tham gia ứng cử ĐBQH của tỉnh Phú Thọ là 15 người/7 đại biểu được bầu. Trong đó 3 đại biểu do Trung ương giới thiệu về, 4 đại biểu cư trú và làm việc tại tỉnh. Về cơ cấu, thành phần, số đại biểu là nữ 4 người, ngoài Đảng 1 người, trẻ tuổi 1 người, dân tộc thiểu số 2 người.

Đối với bầu cử đại biểu HĐND tỉnh, số lượng người được giới thiệu tham gia ứng cử đại biểu HĐND tỉnh khóa XIX là 147 người/70 đại biểu được bầu. Trong đó, cấp tỉnh là 40 người; cấp huyện, cấp xã, các thành phần kinh tế, người tiêu biểu trên các lĩnh vực khoa học - kỹ thuật, văn hóa - xã hội và các thành phần khác là 30 người.

sau hội nghị hiệp thương lần thứ nhất đã thống nhất cơ cấu, thành phần, số lượng người tham gia ứng cử đại biểu HĐND cấp huyện nhiệm kỳ 2021 - 2026 là 872 người/466 đại biểu được bầu; ở cấp xã là 10.601 người/5.166 đại biểu được bầu.

Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đã tổ chức hội nghị hướng dẫn các cơ quan, tổ chức, đơn vị nội dung, thủ tục, trình tự giới thiệu người ứng cử và làm hồ sơ ứng cử; có văn bản gửi đến các đơn vị được phân bổ đại biểu giới thiệu ứng cử tiến hành lập danh sách giới thiệu người ứng cử cho hội nghị hiệp thương lần hai. Tổ chức hội nghị cử tri tại cơ quan, đơn vị để xem xét hồ sơ, lựa chọn các đại biểu đủ tiêu chuẩn và ưu tú nhất.

Đến nay, Ủy ban MTTQ tỉnh đã tổ chức thành công hội nghị hiệp thương lần thứ hai; đối với cấp huyện, cấp xã cũng đang khẩn trương triển khai hội nghị hiệp thương lần hai.

Cán bộ Ban Dân chủ  - Pháp luật, Ủy ban MTTQ tỉnh triển khai thực hiện các công việc chuẩn bị cho hội nghị hiệp thương lần thứ hai (Ảnh chụp ngày 15/3/2021)

Đồng chí Đặng Quốc Tuấn - Trưởng Ban Dân chủ - Pháp luật, Ủy ban MTTQ tỉnh cho biết: Hiện nay, Ủy ban MTTQ tỉnh đang tích cực triển khai thực hiện các công việc để hướng dẫn cơ sở tổ chức lấy ý kiến nhận xét, tín nhiệm của cử tri nơi cư trú. Đồng thời, tổ chức các đoàn kiểm tra việc giới thiệu người ứng cử đại biểu tại một số đơn vị cấp huyện, cấp xã và khẩn trương triển khai để chuẩn bị tổ chức hội nghị hiệp thương lần ba đảm bảo dân chủ, đúng luật và chất lượng./.

Hương Giang

Nghiệp vụ phổ biến giáo dục pháp luật

Chuyên mục