Chương trình Nghị sự 2030 về Phát triển Bền vững với 17 Mục tiêu phát triển bền vững (Tên tiếng Anh: Sustainable Development Goals – SDGs), là Mục tiêu toàn cầu được thiết kế nhằm kêu gọi tất cả các quốc gia trên thế giới tham gia tiến trình xóa đói giảm nghèo và đưa thế giới hướng tới hòa bình, thịnh vượng và cơ hội bình đẳng cho tất cả mọi người. 193 quốc gia, trong đó có Việt Nam đã cam kết thực hiện và thông qua Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững tại Hội nghị thượng đỉnh của Liên hợp quốc từ ngày 25 – 27/9/2015 tại New York, Mỹ.
Tầm nhìn và nguyên tắc:
Chương trình nghị sự đã đưa ra tầm nhìn cho giai đoạn 15 năm với định hướng phương thức thực hiện, các quan hệ đối tác toàn cầu và các hành động tiếp nối. Chương trình này được phát triển và xây dựng theo 6 nguyên tắc cơ bản:
(1) Quyền làm chủ của quốc gia: Là rất quan trọng để đảm bảo chương trình nghị sự được thiết lập và thực hiện ở cấp quốc gia;
(2) Tiếp cận bao trùm và cùng tham gia: Quá trình xây dựng Chương trình nghị sự 2030 toàn cầu có sự tham gia toàn diện của tất cả các nhóm trong xã hội, phản ánh tầm quan trọng của việc huy động người dân tham gia để đảm bảo chương trình nghị sự mới thật sự “lấy con người làm trung tâm”;
(3) Tính phổ quát: Các mục tiêu và các chỉ tiêu toàn cầu huy động toàn thế giới, các nước phát triển cũng như các nước đang phát triển tham gia;
(4) Không để ai bị bỏ lại phía sau, tiếp cận những đối tượng khó tiếp cận nhất trước: Nhấn mạnh sự cần thiết phải giải quyết tất cả các hình thức bất bình đẳng và phân biệt đối xử giữa các nhóm dân cư khác nhau;
(5) Cách tiếp cận dựa trên nhân quyền: Phát triển lấy con người làm trung tâm, phát triển tập trung vào văn hóa và bản sắc, tôn trọng và kết hợp kiến thức truyền thống, chú ý đến căn nguyên gốc rễ, tham gia rộng rãi của công chúng, hòa nhập, trách nhiệm, không phân biệt đối xử, giảm bất bình đẳng, trao quyền, thượng tôn pháp luật, dân chủ, an toàn cá nhân, quản trị tốt, tiếp cận công lý, tiếp cận thông tin, vai trò tích cực đối với xã hội dân sự, hệ thống an sinh xã hội và hợp tác quốc tế có hiệu quả.;
(6) Cách tiếp cận tích hợp để phát triển bền vững: Tích hợp chính sách nghĩa là cân bằng cả ba khía cạnh phát triển bền vững: Tăng trưởng kinh tế, phát triển xã hội và bảo vệ môi trường.
Khung kết quả:
Với tầm nhìn và nguyên tắc đặt ra, Khung kết quả của Chương trình nghị sự 2030 gồm 17 mục tiêu chung và 169 mục tiêu cụ thể về phát triển bền vững, như sau:
Mục tiêu chung 1: Đặt ra mục tiêu xóa nghèo ở khắp mọi nơi dưới nhiều hình thức. Tạo điều kiện cho mọi người đều có cơ hội phát triển thoát nghèo.
Mục tiêu chung 2: Xóa đói, đảm bảo an ninh lương thực, cải thiện dinh dưỡng, và khuyến khích nông nghiệp bền vững.
Mục tiêu 3: Đảm bảo cuộc sống khỏe mạnh và nâng cao phúc lợi cho tất cả mọi lứa tuổi.
Mục tiêu chung 4: Đảm bảo giáo dục chất lượng, toàn diện và công bằng và thúc đẩy các cơ hội học tập suốt đời cho mọi người.
Mục tiêu chung 5: Đạt được bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái.
Mục tiêu chung 6: Đảm bảo nguồn cung cứng và quản lý bền vững nguồn nước và các điều kiện vệ sinh môi trường cho tất cả mọi người.
Mục tiêu chung 7: Đảm bảo khả năng tiếp cận nguồn năng lượng hiện đại, bền vững, đáng tin cậy và trong khả năng chi trả cho tất cả mọi người.
Mục tiêu chung 8: Khuyến khích tăng trưởng kinh tế bền vững hiệu quả dài hạn, tạo việc làm đầy đủ, năng suất cao và bền vững cho tất cả mọi người.
Mục tiêu chung 9: Xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, khuyến khích quá trình công nghiệp hóa toàn diện và bền vững, thúc đẩy sự đổi mới.
Mục tiêu chung 10: Giảm bất bình đẳng trong và giữa các quốc gia.
Mục tiêu chung 11: Xây dựng các đô thị và cộng đồng dân cư hiệu quả, an toàn, đồng bộ và bền vững.
Mục tiêu chung 12: Đảm bảo các hình mẫu sản xuất và tiêu dùng bền vững.
Mục tiêu chung 13: Triển khai các hành động khẩn cấp để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và các tác động của nó.
Mục tiêu chung 14: Bảo tồn và sử dụng bền vững các đại dương, biển và tài nguyên biển cho phát triển bền vững.
Mục tiêu chung 15: Bảo vệ, khôi phục và khuyến khích sử dụng bền vững các hệ sinh thái trên bề mặt trái đất, quản lý bền vững tài nguyên rừng, chống sa mạc hóa, chống xói mòn đất và ngăn chặn sự mất đa dạng sinh học.
Mục tiêu chung 16: Thúc đẩy các xã hội hài hòa và hiệu quả cho phát triển bền vững, tạo ra cơ hội về công bằng và công lý cho tất cả mọi người và xây dựng các thể chế hiệu quả, có trách nhiệm giải trình ở tất cả các cấp.
Mục tiêu chung 17: Nâng cao khả năng thực hiện và làm mới mối quan hệ đối tác toàn cầu vì sự phát triển bền vững.
Cơ chế theo dõi và đánh giá:
Cơ chế theo dõi và đánh giá việc thực hiện Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển bền vững của Liên hợp quốc là Báo cáo Rà soát quốc gia tự nguyện, trình bày tại Diễn đàn chính trị cấp cao về phát triển bền vững (HLPF) của Liên hợp quốc. Việc xây dựng báo cáo rà soát quốc gia tự nguyện nhằm mục đích chia sẻ kinh nghiệm, thành công, thách thức và bài học thực tế, nhằm thúc đẩy việc thực hiện Chương trình nghị sự 2030 của các quốc gia. Các quốc gia thành viên được khuyến khích tiến hành đánh giá và rà soát trong quá trình thực hiện ở cấp quốc gia và cấp địa phương.
Việt Nam đã trình bày Báo cáo Rà soát quốc gia tự nguyện về tiến độ thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững tại Diễn đàn Chính trị cấp cao năm 2018 của Liên hợp quốc và tiếp tục thực hiện tiến trình đạt 17 Mục tiêu phát triển bền vững. Lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững được Bộ Kế hoạch đầu tư chủ trì, xây dựng và đôn đốc, theo dõi thực hiện./.
Minh Hạnh