Ngày 30/6/2025, Chính phủ ban hành Nghị định số 170/2025/NĐ-CP quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức gồm 06 Chương, 73 Điều, cụ thể Chương I: Quy định chung (gồm 02 điều: Điều 1 và Điều 2); Chương II: Tuyển dụng công chức (gồm 18 điều từ Điều 3 đến Điều 20); Chương III: Sử dụng công chức (gồm 36 điều từ Điều 21 đến Điều 56); Chương IV: Thôi việc, nghỉ hưu đối với công chức (gồm điều 7 điều từ Điều 57 đến Điều 63); Chương V: Quản lý công chức (gồm 5 điều từ Điều 64 đến Điều 68); Chương VI: Điều khoản thi hành (gồm 5 điều từ Điều 69 đến Điều 73), với nhiều điểm mới như sau:
Một là tuyển dụng công chức theo vị trí việc làm
Một trong những điểm đột phá của Nghị định 170/2025/NĐ-CP là khẳng định nguyên tắc tuyển dụng theo vị trí việc làm, thay vì áp dụng chung chung theo ngạch hoặc ngành. Việc tổ chức thi tuyển sẽ căn cứ vào yêu cầu cụ thể của từng vị trí, từ đó xây dựng nội dung, hình thức thi phù hợp, đảm bảo lựa chọn đúng người, đúng việc.
Một nội dung mới nữa của Nghị định 170/2025/NĐ-CP là bổ sung 1 mục tại Chương III quy định về bố trí và xếp ngạch công chức theo vị trí việc làm, cụ thể gồm: Bố trí, phân công công tác (Điều 21); Bố trí vào vị trí việc làm, thay đổi vị trí việc làm công chức (Điều 22); Điều kiện, tiêu chuẩn đối với công chức khi thay đổi vị trí việc làm (Điều 23); Thực hiện thay đổi vị trí việc làm đối với công chức (Điều 24).
Việc bổ sung Mục này nhằm xác định vai trò, nhiệm vụ cụ thể trong việc bố trí vị trí việc làm và xếp ngạch công chức đối với người trúng tuyển công chức; trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan sử dụng công chức phân công công việc theo đúng yêu cầu vị trí việc làm tuyển dụng, bồi dưỡng, theo dõi đánh giá việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ của công chức.
Hai là, có nhiều chính sách mở rộng, thu hút nhân tài
Nghị định 170/2025/NĐ-CP cũng bổ sung trường hợp được tiếp nhận vào công chức là chuyên gia, nhà khoa học, luật gia, luật sư giỏi, doanh nhân tiêu biểu, xuất sắc, nhà quản lý, nhà quản trị doanh nghiệp; người công tác tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong hệ thống chính trị mà không phải là công chức, phù hợp với quy định của Luật Cán bộ, công chức năm 2025 trong việc thực hiện thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao và người có kinh nghiệm, đáp ứng ngay yêu cầu công việc vào làm việc tại khu vực công.
Đây là lần đầu tiên các nhóm đối tượng này được đưa vào diện có thể tuyển thẳng vào công chức thông qua hợp đồng có thời hạn. Sau khi được kiểm chứng về kết quả và năng lực thực tế, họ có thể được xét tuyển chính thức. Quy định này là bước tiến trong việc thu hút nhân tài, chuyên gia bên ngoài vào khu vực công, góp phần làm mới tư duy, cách làm trong đội ngũ cán bộ.
Nghị định 170/2025/NĐ-CP cũng trao nhiều quyền hơn cho người đứng đầu cơ quan sử dụng công chức, đặc biệt trong các vấn đề tuyển dụng, tiếp nhận, sử dụng và cho thôi việc. Cụ thể, người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thể chủ động quyết định các vấn đề nhân sự trong phạm vi phân cấp, hoặc ủy quyền cho đơn vị trực thuộc thực hiện.
Việc phân cấp, trao quyền này đi kèm với yêu cầu cao hơn về trách nhiệm giải trình. Đồng thời, quy định rõ các trường hợp phải báo cáo, xin ý kiến hoặc xin phê duyệt từ cơ quan cấp trên, tránh việc lạm quyền hoặc tuyển dụng sai quy trình.
Ba là thống nhất quản lý công chức từ Trung ương tới cấp xã, bỏ cơ chế nâng ngạch theo niên hạn
Điểm nổi bật của Nghị định là đã quy định chi tiết những nội dung đổi mới của Luật về thống nhất quản lý công chức từ Trung ương đến cấp xã; đổi mới phương thức quản lý công chức theo vị trí việc làm - lấy vị trí việc làm là trung tâm, trên cơ sở căn cứ vào yêu cầu của vị trí việc làm và kết quả, sản phẩm thực hiện nhiệm vụ để tuyển dụng, bố trí, sử dụng, quy hoạch, bổ nhiệm.
Đặc biệt, Nghị định đã bỏ thi nâng ngạch là một bước cải cách lớn - vốn bị xem là hình thức trong nhiều năm qua. Thay vào đó, công chức sẽ được đánh giá dựa trên kết quả công việc, phẩm chất và năng lực thực tế.
Điều này tạo động lực cho người lao động phấn đấu, không bị “giam” trong ngạch thấp dù đã đảm nhiệm công việc cao hơn. Đồng thời, giúp các cơ quan Nhà nước chủ động hơn trong việc sử dụng và bố trí nhân sự theo năng lực thực tế, thay vì bị bó buộc bởi quy trình cứng nhắc.
Đồng thời, không quy định kiểm định chất lượng đầu vào công chức thống nhất ở cấp quốc gia, tạo sự linh hoạt và phân cấp nhiều hơn cho các bộ, ngành, địa phương.
Ngoài ra, Nghị định quy định chuyển tiếp đối với một số trường hợp đang bị tạm dừng tuyển dụng trước ngày 01/12/2024, người đang thực hiện tập sự, việc xếp ngạch công chức tương ứng với chức danh lãnh đạo được bổ nhiệm,...
Bốn là quy định rõ về thôi việc, chuyển đổi vị trí
Nghị định quy định rõ về các trường hợp công chức được thôi việc hoặc bị cho thôi việc. Trong đó, người đứng đầu cơ quan sử dụng công chức được trao quyền quyết định hoặc ủy quyền việc này. Ngoài ra, các quy trình điều chuyển vị trí việc làm, thay đổi ngạch công chức cũng được cụ thể hóa, đảm bảo công bằng và minh bạch.
Với đội ngũ công chức đã được tuyển dụng trước ngày 1/7/2025, Nghị định cho phép áp dụng chuyển tiếp theo các quy định cũ. Tuy nhiên, các cơ quan, đơn vị cần hoàn thành việc sắp xếp lại vị trí việc làm và xếp ngạch tương ứng trước ngày 1/7/2027.
Lộ trình này giúp giảm xáo trộn, tránh ảnh hưởng tới quyền lợi của công chức hiện hành, đồng thời đảm bảo quá trình cải cách diễn ra có kiểm soát và hiệu quả.
Nghị định cũng quy định cụ thể trình tự, thủ tục giải quyết thôi việc đối với trường hợp công chức tự nguyện xin thôi việc và trường hợp công chức bị cho thôi việc. Công chức tự nguyện xin thôi việc được hưởng trợ cấp thôi việc như sau: Được trợ cấp 03 tháng tiền lương hiện hưởng; được trợ cấp 1,5 tháng tiền lương hiện hưởng cho mỗi năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc; được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc hoặc hưởng bảo hiểm xã hội một lần theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.
Đẩy mạnh việc phân cấp, phân quyền trong tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức
Thực hiện quy định của Luật Cán bộ, công chức năm 2025, Nghị định 170/2025/NĐ-CP tiếp tục đẩy mạnh việc phân cấp, phân quyền, theo đó, Bộ, ngành, địa phương có thẩm quyền, trách nhiệm trong công tác tuyển dụng, sử dụng và quản lý đội ngũ công chức thuộc thẩm quyền quản lý; đồng thời, quy định Bộ, ngành, địa phương thực hiện việc phân cấp thẩm quyền tuyển dụng cho các cơ quan, đơn vị, tổ chức thuộc và trực thuộc.
Ngoài ra, Nghị định xác định và quy định thẩm quyền, trách nhiệm người đứng đầu cơ quan sử dụng công chức trong việc: (1) bố trí vị trí việc làm đối với người trúng tuyển vào công chức; (2) thay đổi vị trí việc làm công chức.
Việc ban hành Nghị định 170/2025/NĐ-CP đánh dấu một bước đi quan trọng trong tiến trình xây dựng nền công vụ hiện đại, minh bạch, gắn trách nhiệm với từng vị trí cụ thể.
Trong bối cảnh Đảng và Nhà nước đang quyết liệt thực hiện tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế và cải cách tiền lương, Nghị định 170/2025/NĐ-CP không chỉ là công cụ pháp lý mà còn là định hướng chiến lược trong quản trị nhân lực công vụ của Việt Nam trong thời kỳ mới.
Nghị định 170/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ 01/7/2025./.