Các trường hợp phải hủy bỏ quyết định xử phạt vi phạm hành chính

11/04/2024

Khoản 3 Điều 18 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định thẩm quyền hủy bỏ, ban hành quyết định mới trong xử phạt vi phạm hành chính quy định như sau:

Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp, thủ trưởng cơ quan, đơn vị của người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính có trách nhiệm phát hiện quyết định về xử lý vi phạm hành chính do mình hoặc cấp dưới ban hành có sai sót và kịp thời đính chính, sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ, ban hành quyết định mới theo thẩm quyền.

Căn cứ khoản 1 Điều 13 Nghị định 118/2021/NĐ-CP, người đã ban hành quyết định tự mình hoặc theo yêu cầu của những người quy định tại khoản 3 Điều 18 Luật Xử lý vi phạm hành chính phải ban hành quyết định hủy bỏ toàn bộ nội dung quyết định nếu thuộc một trong 08 trường hợp sau đây:

(1) Không đúng đối tượng vi phạm; 

(2) Vi phạm quy định về thẩm quyền ban hành quyết định;

 (3) Vi phạm quy định về thủ tục ban hành quyết định; 

(4) Trường hợp giữ lại vụ vi phạm có dấu hiệu tội phạm để xử lý vi phạm hành chính (khoản 1 Điều 12 Luật Xử lý vi phạm hành chính); 

(5) Trường hợp xác định hành vi vi phạm hành chính không đúng; áp dụng hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả không đúng, không đầy đủ đối với hành vi vi phạm hành chính (khoản 6 Điều 12 Luật Xử lý vi phạm hành chính); 

(6) Trường hợp giả mạo, làm sai lệch hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính, hồ sơ áp dụng biện pháp xử lý hành chính (khoản 10 Điều 12 Luật Xử lý vi phạm hành chính); 

(7) Trường hợp có quyết định khởi tố vụ án của cơ quan tiến hành tố tụng hình sự đối với vụ việc vi phạm có dấu hiệu tội phạm (khoản 3 Điều 62 Luật Xử lý vi phạm hành chính);

(8) Trường hợp không ra quyết định xử phạt (khoản 1 Điều 65 Luật Xử lý vi phạm hành chính).

(Quy định hiện hành cũng cho phép tùy thuộc vào tính chất, mức độ sai sót, người đã ban hành quyết định về xử lý vi phạm hành chính phải hủy bỏ một phần hoặc toàn bộ nội dung quyết định khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

- Có sai sót về nội dung làm thay đổi cơ bản nội dung của quyết định;

- Quyết định giải quyết khiếu nại của người hoặc cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại được ban hành dẫn đến việc thay đổi căn cứ, nội dung của quyết định về xử lý vi phạm hành chính).

Những người có thẩm quyền nêu trên ra quyết định hủy bỏ toàn bộ quyết định có sai sót, nếu người đã ban hành quyết định không hủy bỏ quyết định khi thuộc một trong các trường hợp từ (1) đến (6) nêu trên.

Trong các trường hợp (1), (2), (3), (4), (5) nêu trên, nếu có căn cứ để ban hành quyết định mới, thì người đã ban hành quyết định phải ban hành quyết định mới hoặc chuyển người có thẩm quyền ban hành quyết định mới.

Trong trường hợp không ra quyết định xử phạt quy định tại mục số (8), nếu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính thuộc loại cấm tàng trữ, cấm lưu hành hoặc pháp luật có quy định áp dụng hình thức xử phạt tịch thu, biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm hành chính, thì người có thẩm quyền đã ban hành quyết định phải ban hành quyết định mới hoặc chuyển người có thẩm quyền ban hành quyết định mới để tịch thu, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả.

(Hiện nay, trong trường hợp có bản án, quyết định của Tòa án về việc hủy bỏ một phần hoặc toàn bộ quyết định về xử lý vi phạm hành chính bị khởi kiện, thì người đã ban hành quyết định phải ban hành quyết định mới hoặc chuyển người có thẩm quyền ban hành quyết định mới về xử lý vi phạm hành chính đối với trường hợp đó).


BBT