Kế hoạch thực hiện cải cách hành chính nhà nước tỉnh Phú Thọ năm 2024

23/01/2024

Nhằm đẩy mạnh triển khai toàn diện, đồng bộ đối với 06 nội dung của Chương trình Tổng thể CCHC, Kế hoạch số 1782/KH-UBND ngày 05/5/2021 của UBND tỉnh về cải cách hành chính nhà nước tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2021 – 2025 và góp phần hoàn thành các chỉ tiêu Nghị quyết số 61-NQ/TU ngày 13/10/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XIX) về cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025. Ban chỉ đạo CCHC tỉnh Phú Thọ đã ban hành kế hoạch số 5246/KH-UBND ngày 29/12/2023 thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính nhà nư­ớc năm 2024.

Bệ phóng từ 'đột phá' trong cải cách hành chính ở Phú Thọ | baotintuc.vn

Kế hoạch tập trung thực hiện 09 nhóm nhiệm vụ cải cách hành chính nhà nước chủ yếu: Công tác chỉ đạo, điều hành; Cải cách thể chế; Cải cách thủ tục hành chính; Cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; Cải cách chế độ công vụ; Cải cách tài chính công; Xây dựng và phát triển Chính quyền điện tử, Chính quyền số; Tuyên truyền Cải cách hành chính; Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong cơ quan hành chính nhà nước các cấp. Trong đó, nhóm Cải cách thể chế bao gồm:

- Triển khai thi hành các Luật, Bộ luật được Quốc hội thông qua tại các kỳ họp đảm bảo các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trên tất cả các lĩnh vực được phổ biến rộng rãi đến mọi tầng lớp nhân dân; triển khai thực hiện các hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL), thực hiện tốt vai trò của Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh.

- Nâng cao chất lượng tham mưu soạn thảo, thẩm định, ban hành văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) thuộc thẩm quyền của tỉnh, đảm bảo đồng bộ, khả thi, phù hợp thực tiễn và đúng quy định của pháp luật. Thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả việc lập đề nghị xây dựng, đánh giá tác động của chính sách trong quá trình xây dựng văn bản QPPL của HĐND, UBND tỉnh, thẩm định dự thảo văn bản QPPL.

- Xây dựng và hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh trong đó tập trung vào các văn bản quy phạm pháp luật phục vụ chỉ đạo, điều hành, các văn bản liên quan đến cơ chế chính sách phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội, thu hút đầu tư, an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.

- Rà soát, xử lý văn bản QPPL để đảm bảo sự phù hợp với các quy định của pháp luật phục vụ cho công tác quản lý nhà nước. Xử lý kịp thời các văn bản trái với quy định của pháp luật, trái thẩm quyền và sai thể thức. Tăng cường công tác kiểm tra việc ban hành văn bản QPPL của các cấp.

Kế hoạch giao nhiệm vụ, trách nhiệm cho các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh; các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh; UBND các huyện, thành, thị xây dựng kế hoạch cụ thể và tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ CCHC phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, tình hình thực tế tại cơ quan, đơn vị và chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về CCHC; UBND cấp huyện triển khai Kế hoạch này đến UBND cấp xã;

Đối với các cơ quan, đơn vị được giao chủ trì hoặc phối hợp thực hiện nhiệm vụ CCHC có trách nhiệm tổ chức thực hiện nghiêm túc, bảo đảm chất lượng và thời gian hoàn thành;

Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh đối với những nhiệm vụ đã giao.

Thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo, đảm bảo chất lượng và thời gian theo quy định./.

TGV