Tạo “sức bật” từ khâu đột phá cải cách hành chính

27/10/2020

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh và Tập đoàn VNPT ấn nút khai trương Trung tâm điều hành thông minh (IOC)

Lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp làm thước đo

Những năm trước đây, Phú Thọ luôn là tỉnh có điểm số thấp và thứ hạng về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) xếp ở cuối nhóm khá của cả nước; chỉ số CCHC không ổn định. Thế nhưng những năm gần đây, Phú Thọ đã có những thay đổi vượt bậc trong chặng đường phát triển.

Từ năm 2017, Phú Thọ có sự “bứt phá” khi vươn lên xếp thứ 11/63 tỉnh, thành phố về Chỉ số CCHC (PAR INDEX). Năm 2019, Phú Thọ xếp thứ 11/63 tỉnh, thành phố về chính quyền điện tử; xếp thứ 26/63 tỉnh, thành phố và đứng thứ 3 trong 14 tỉnh miền núi phía Bắc về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước đạt 85,89%, xếp thứ 25 toàn quốc.

Để tạo ra bước chuyển quan trọng này, ngay từ đầu nhiệm kỳ, bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 15/4/2016 của BCH Đảng bộ tỉnh khóa XVIII thực hiện khâu đột phá về CCHC, UBND tỉnh đã xây dựng Đề án thực hiện khâu đột phá về CCHC, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính (TTHC) giai đoạn 2016 - 2020, đồng thời đề ra các giải pháp đồng bộ, quyết liệt để thực hiện khâu đột phá ngày càng thực chất.

Một nền hành chính hướng đến người dân, coi sự hài lòng của doanh nghiệp, người dân làm thước đo hiệu quả công việc đã thực sự được các cấp chính quyền từ tỉnh đến cơ sở quan tâm triển khai. Với quyết tâm chính trị cao, tỉnh đã đưa Trung tâm Phục vụ hành chính công đi vào hoạt động.

Đến Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, dù rất đông tổ chức, cá nhân đến giao dịch mỗi ngày nhưng mọi việc đều được giải quyết nhanh chóng, chuyên nghiệp. Qua khảo sát đánh giá chất lượng dịch vụ, trên 95% công dân bày tỏ ý kiến hài lòng và rất hài lòng khi đến giải quyết các TTHC tại Trung tâm. Ông Nguyễn Xuân Long - Phó Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh cho rằng: “Việc CCHC muốn đạt được hiệu quả thì trước hết cần phải “cải cách” yếu tố con người, nghĩa là phải đổi mới tư duy, phong cách làm việc, tinh thần thái độ phục vụ của chính đội ngũ cán bộ, công chức. Do đó, Trung tâm luôn chỉ đạo, quán triệt cán bộ, công chức nêu cao tinh thần trách nhiệm, tận tụy, sáng tạo, phục vụ tốt nhất người dân và doanh nghiệp”.

Từ hiệu quả mô hình đầu mối cấp tỉnh, tỉnh đã hỗ trợ các huyện, thành, thị xây dựng, triển khai mô hình một cửa hiện đại. Từ mô hình này đã giúp các TTHC được cắt giảm trung bình từ 50 - 70% thời gian giải quyết so với quy định; tỷ lệ hồ sơ giải quyết, trả kết quả đúng hạn và trước hạn trung bình hằng năm ở cấp tỉnh đạt 99,98%; cấp huyện đạt 96,1%.

Ông Hoàng Anh Tuấn - Giám đốc Công ty TNHH Khoáng sản và Xây dựng HAT Phú Thọ cho biết: Những năm gần đây công tác CCHC của tỉnh đã có nhiều tiến bộ vượt bậc. Nhờ cắt giảm tối đa các TTHC, thời gian giải quyết TTHC, nhất là trong các lĩnh vực như thuế, đất đai, môi trường, xây dựng, đầu tư đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.

Tinh gọn bộ máy gắn với hiện đại hóa nền hành chính

Hội nghị hành chính chuyên đề về đầu tư, xây dựng của tỉnh được tổ chức bằng hình thức trực tuyến với các huyện, thành, thị

Xác định để CCHC hiệu quả thì một trong những yếu tố tiên quyết là phải tinh gọn bộ máy tổ chức. Phú Thọ đã từng bước cụ thể hóa chủ trương và tổ chức thực hiện linh hoạt, hiệu quả việc sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế, vừa gọn đội ngũ vừa tăng hiệu quả và trách nhiệm.

Đồng chí Nguyễn Tường Thứ - TUV, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức Tỉnh ủy cho biết: Tỉnh ủy coi công tác tinh gọn bộ máy là cần thiết và cấp bách. BTV Tỉnh ủy thường xuyên cho ý kiến chỉ đạo với từng ngành, từng lĩnh vực, yêu cầu khẩn trương, chắc chắn, hiệu quả; công tác bổ nhiệm lãnh đạo các đơn vị phải công khai, minh bạch.

Đến thời điểm này, Phú Thọ đã giảm 45/155 các phòng chuyên môn trực thuộc các sở, ban, ngành, giảm 68/1.169 đơn vị sự nghiệp công lập. Đối với các đơn vị hành chính cấp xã và khu dân cư, sau sắp xếp, sáp nhập toàn tỉnh có 225 đơn vị hành chính cấp xã (giảm 52 đơn vị), 2.328 khu (giảm 559 khu dân cư).

Đặc biệt, nắm bắt tốt xu thế từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, tỉnh Phú Thọ đã sớm xây dựng và triển khai hiệu quả Đề án xây dựng Chính quyền điện tử trên địa bàn.

Chỉ trong 2 năm, tỉnh đã xây dựng và hoàn thiện cấu trúc chính quyền điện tử gồm hệ thống quản lý văn bản và điều hành, hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến, Cổng dịch vụ công trực tuyến và Một cửa điện tử đồng bộ, thống nhất từ cấp tỉnh đến cấp xã, kết nối liên thông với Cổng dịch vụ công quốc gia. Chính thức đưa vào hoạt động Trung tâm điều hành thông minh (IOC) giúp cung cấp đầy đủ số liệu tổng hợp về kết quả thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ các cấp chính quyền đảm bảo cho công tác chỉ đạo, điều hành được kịp thời, hiệu quả hơn.

Để tăng hiệu quả xử lý công việc, 100% các cơ quan, đơn vị nhà nước sử dụng chữ ký số cá nhân, thực hiện giải quyết hồ sơ, công việc qua môi trường mạng. Chị Hà Thị Thanh Huyền - Cán bộ Văn phòng thống kê xã Thanh Minh, thị xã Phú Thọ cho biết: Trước đây để xử lý văn bản đi, đến, chúng tôi phải mất nhiều công đoạn sao lưu, in ấn, trình lãnh đạo ký duyệt… Hiện nay, trừ những văn bản mật, mọi văn bản đều được giải quyết trên môi trường mạng và triển khai ký số. Điều này giúp giảm khoảng 80% lượng văn bản giấy so với trước đây, đảm bảo công việc được triển khai kịp thời.

Sẵn sàng cho những bứt phá mới

Cán bộ xã Sơn Hùng, huyện Thanh Sơn sử dụng hệ thống phần mềm quản lý văn bản và điều hành để giải quyết công việc

Đồng chí Ngô Đức Thịnh - TUV, Giám đốc Sở Nội vụ cho biết: Sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác CCHC trong thời gian qua là một trong những yếu tố quyết định để Phú Thọ đạt được những bước phát triển toàn diện về kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, hệ thống TTHC còn nhiều bất cập, vướng mắc; việc đầu tư cho ứng dụng CNTT còn chưa được các sở, ngành, địa phương quan tâm đúng mức; việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến đến người dân, doanh nghiệp vẫn còn những rào cản, đòi hỏi Phú Thọ cần phải nỗ lực hơn nữa. Bởi vậy, công tác CCHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh được BCH Đảng bộ tỉnh xác định là một nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, liên tục trong phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn tới.

Để tạo sự bứt phá mới, việc nâng cao nhận thức, trách nhiệm, sự vào cuộc tích cực, chủ động của cả hệ thống chính trị, của từng cơ quan, đơn vị, địa phương và cán bộ, công chức, viên chức người lao động tại các cơ quan nhà nước trong CCHC được tỉnh xác định là quan trọng hàng đầu. Đặc biệt là nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu; lấy kết quả thực hiện CCHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh là một tiêu chí quan trọng đánh giá hiệu quả hoạt động và mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, địa phương hằng năm, cũng như đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cá nhân người đứng đầu.

Để gỡ “nút thắt” về CCHC, ông Trần Văn Khai - Chánh Văn phòng UBND tỉnh cho biết: UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo quyết liệt việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống thể chế, cơ chế, chính sách, tạo môi trường pháp lý thông thoáng, thuận lợi, minh bạch, đặc biệt là những vấn đề liên quan trực tiếp tới người dân, doanh nghiệp. Cùng với đó tiếp tục đơn giản hóa các TTHC để đáp ứng hiệu quả của dịch vụ công trực tuyến mức 3, 4, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh.

“Tiến tới nền hành chính thật sự chuyên nghiệp, hiện đại cần thiết phải nâng cao hiệu quả ứng dụng CNTT, xây dựng chính quyền điện tử. Điều quan trọng lúc này là phải tiếp tục quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu và hệ thống thông tin làm nền tảng chính quyền điện tử tỉnh. Đồng thời ứng dụng CNTT, đẩy nhanh số hóa các lĩnh vực quản lý, kinh tế - xã hội, chuyển đổi số tại các cơ quan nhà nước, bảo đảm an toàn thông tin, đồng bộ, hiện đại; tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp dễ dàng tra cứu, tìm kiếm, trao đổi thông tin và thực hiện dịch vụ công trực tuyến” - ông Trịnh Hùng Sơn - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông chia sẻ.

Với mục tiêu đến năm 2025 xây dựng Phú Thọ là tỉnh phát triển hàng đầu của vùng Trung du và miền núi phía Bắc; từ những nền tảng vững chắc đã có từ CCHC và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cùng với khát vọng đổi mới, vươn lên không ngừng của cả hệ thống chính trị và nhân dân trên địa bàn tỉnh, mục tiêu này chắc chắn sẽ sớm được hiện thực hóa.