Những lưu ý khi ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính

11/04/2024

Xử phạt vi phạm hành chính là việc người có thẩm quyền xử phạt áp dụng hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính (VPHC).Việc ban hành quyết định xử phạtVPHC phải bảo đảm tuân thủ các nguyên tắc xử lý VPHC (Điều 3 Luật Xử lý VPHC).


Thời hạn ban hành quyết định xử phạt VPHC (Điều 66 Luật Xử lý VPHC): Người có thẩm quyền xử phạt VPHC phải ra quyết định xử phạt trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày lập biên bản VPHC; vụ việc thuộc trường hợp phải chuyển hồ sơ đến người có thẩm quyền xử phạt thì thời hạn ra quyết định xử phạt là 10 ngày làm việc, kể từ ngày lập biên bản VPHC, trừ trường hợp chuyển hồ sơ vụ vi phạm để xử phạt hành chính theo quy định tại khoản 3 Điều 63 Luật Xử lý VPHC.

Đối với vụ việc mà cá nhân, tổ chức có yêu cầu giải trình hoặc phải xác minh các tình tiết có liên quan quy định tại Điều 59 Luật Xử lý VPHC thì thời hạn ra quyết định xử phạt là 01 tháng, kể từ ngày lập biên bản VPHC; trường hợp vụ việc đặc biệt nghiêm trọng, có nhiều tình tiết phức tạp, cần có thêm thời gian để xác minh, thu thập chứng cứ thì thời hạn ra quyết định xử phạt là 02 tháng, kể từ ngày lập biên bản VPHC.

Nội dung quyết định xử phạt VPHC bao gồm các nội dung chính sau đây:

(1) Địa danh, ngày, tháng, năm ra quyết định; (2) Căn cứ pháp lý để ban hành quyết định; (3) Biên bản VPHC, kết quả xác minh, văn bản giải trình của cá nhân, tổ chức vi phạm hoặc biên bản họp giải trình và tài liệu khác (nếu có); (4) Họ, tên, chức vụ của người ra quyết định; (5) Họ, tên, địa chỉ, nghề nghiệp của người vi phạm hoặc tên, địa chỉ và họ tên, chức vụ của người đại diện theo pháp luật của tổ chức vi phạm; (6) Hành vi VPHC; tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng; (7) Điều, khoản của văn bản pháp luật được áp dụng; (8 Hình thức xử phạt chính; hình thức xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả (nếu có); (9) Quyền khiếu nại, khởi kiện đối với quyết định xử phạt VPHC; (10) Hiệu lực của quyết định, thời hạn và nơi thi hành quyết định xử phạt VPHC, nơi nộp tiền phạt; (11) Họ tên, chữ ký của người ra quyết định xử phạt VPHC; (12) Trách nhiệm thi hành quyết định xử phạt VPHC và việc cưỡng chế trong trường hợp cá nhân, tổ chức bị xử phạt VPHC không tự nguyện chấp hành.

Thời gian tổ chức thi hành quyết định xử phạt VPHC: Thông thường, quyết định xử phạt VPHC phải được thi hành trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày người vi phạm nhận được quyết định xử phạt, trừ trường hợp quyết định xử phạt có ghi thời hạn thi hành nhiều hơn 10 ngày thì thực hiện theo thời hạn ghi trong quyết định xử phạt. Theo đó, trong thời hạn 10 ngày, người có thẩm quyền xử phạt VPHC cũng phải: Gửi quyết định xử phạt để thi hành (Điều 70 Luật Xử lý VPHC); giải quyết khiếu nại nếu đối tượng vi phạm có khiếu nại (Điều 73 Luật Xử lý VPHC); thu nộp tiền phạt (Điều 78 Luật Xử lý VPHC); xem xét hoãn, giảm, miễn (Điều 76, Điều 77 Luật Xử lý VPHC) hoặc chuyển quyết định xử phạt để tổ chức thi hành (Điều 71 Luật Xử lý VPHC).

Thời hiệu thi hành quyết định xử phạt VPHClà 01 năm, kể từ ngày ra quyết định, quá thời hạn này thì không thi hành quyết định đó nữa, trừ trường hợp quyết định xử phạt có áp dụng hình thức xử phạt tịch thu tang vật, phương tiện VPHC, biện pháp khắc phục hậu quả thì vẫn phải tịch thu tang vật, phương tiện, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả.

Trong trường hợp cá nhân, tổ chức bị xử phạt cố tình trốn tránh, trì hoãn thì thời hiệu nói trên được tính kể từ thời điểm chấm dứt hành vi trốn tránh, trì hoãn.

 Một số nội dung cần lưu ý

Thứ nhất, Quyết định xử phạt VPHC phải ban hành đúng mẫu quy định tại Nghị định số 118/2021/NĐ-CP (mẫu MQĐ01 - Quyết định xử phạt VPHC không lập biên bản; mẫu MQĐ02, Quyết định xử phạt VPHC -  sử dụng cho cả trường hợp một hoặc nhiều cá nhân/tổ chức thực hiện một hoặc nhiều hành vi VPHC); Đối với các lĩnh vực có quy định mẫu riêng thì thực hiện theo quy định đó; không ghi thêm các căn cứ không đúng quy định.

Thứ hai, trong trường hợp người có thẩm quyền xử phạt VPHC giao cho cấp phó thực hiện thẩm quyền xử phạt VPHC thì phải sử dụng mẫu quyết định giao quyền xử phạt VPHC (theomẫu MQĐ34 ban hành kèm theo Nghị định số 118/2021/NĐ-CP).

Thứ ba, người có thẩm quyền xử phạt VPHC, cá nhân, tổ chức liên quan nếu có lỗi trong việc để quá thời hạn mà không ra quyết định xử phạt thì bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Thứ tư, trường hợp ban hành một quyết định xử phạt VPHC chung đối với nhiều cá nhân, tổ chức cùng thực hiện một hành vi vi phạm hoặc nhiều cá nhân, tổ chức thực hiện nhiều hành vi VPHC khác nhau trong cùng một vụ vi phạm thì nội dung hành vi vi phạm, hình thức, mức xử phạt đối với từng cá nhân, tổ chức phải xác định cụ thể, rõ ràng.

Thứ năm, trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định xử phạt VPHC có lập biên bản, người có thẩm quyền đã ra quyết định xử phạt phải gửi cho cá nhân, tổ chức bị xử phạt, cơ quan thu tiền phạt và cơ quan liên quan khác (nếu có) để thi hành. Quyết định xử phạt VPHC được giao trực tiếp hoặc gửi qua bưu điện bằng hình thức bảo đảm và thông báo cho cá nhân, tổ chức bị xử phạt biết.

Thứ sáu, đối với trường hợp quyết định được giao trực tiếp mà cá nhân, tổ chức vi phạm cố tình không nhận quyết định thì người có thẩm quyền lập biên bản về việc không nhận quyết định có xác nhận của chính quyền địa phương và được coi là quyết định đã được giao.

Thứ bảy, đối với trường hợp gửi qua bưu điện bằng hình thức bảo đảm, nếu sau thời hạn 10 ngày, kể từ ngày quyết định xử phạt đã được gửi qua đường bưu điện đến lần thứ ba mà bị trả lại do cá nhân, tổ chức vi phạm cố tình không nhận; quyết định xử phạt đã được niêm yết tại nơi cư trú của cá nhân, trụ sở của tổ chức bị xử phạt hoặc có căn cứ cho rằng người vi phạm trốn tránh không nhận quyết định xử phạt thì được coi là quyết định đã được giao.

Thứ tám, sau khi thu thập thông tin, nghiên cứu, xem xét các hồ sơ, tài liệu và các tình tiết của vụ việc vi phạm, đánh giá về mặt pháp lý của các hành vi vi phạm trên thực tế, người có thẩm quyền xử phạt VPHC xét, quyết định có ban hành hay không ban hành quyết định xử phạt VPHC, cụ thể như sau:

Trường hợp không ban hành quyết định xử phạt VPHC

Người có thẩm quyền xử phạt không ban hành quyết định xử VPHC, nếu vụ việc thuộc các trường hợp không ra quyết định xử phạt VPHC theo quy định tại khoản 1 Điều 65 Luật Xử lý VPHC. Mặc dù không ban hành quyết định xử phạt VPHC nhưng người có thẩm quyền xử phạt VPHC vẫn phải ra quyết định tịch thu tang vật, phương tiện VPHC nếu tang vật, phương tiện VPHC thuộc loại cấm tàng trữ, cấm lưu hành hoặc tang vật, phương tiện mà pháp luật có quy định hình thức xử phạt tịch thu và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả được quy định đối với hành vi VPHC chính đó.Quyết định phải ghi rõ lý do không ra quyết định xử phạt VPHC; tang vật, phương tiện VPHC bị tịch thu; biện pháp khắc phục hậu quả được áp dụng, trách nhiệm và thời hạn thực hiện.

Trường hợp ban hành quyết định xử phạt VPHC

Nếu vụ việc thuộc trường hợp VPHC, pháp luật quy định người có thẩm quyền xử phạt VPHC có trách nhiệm, nghĩa vụ bắt buộc phải ban hành quyết định xử phạt VPHC, trừ các trường hợp không ban hành quyết định xử phạt VPHC theo quy định tại khoản 1 Điều 65 Luật Xử lý VPHC.

Để bảo đảm tính hợp pháp của một quyết định xử phạt VPHC được ban hành phải đáp ứng các yêu cầu về mặt hình thức, nội dung và một số nội dung khác liên quan do pháp luật quy định./.


BBT