Quy định về mức phạt tiền, thẩm quyền phạt tiền, hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quảvà áp dụng xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuỷ sản

11/04/2024

 Ngày 05/4/2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 38/2024/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuỷ sản.

Theo đó:

* Quy định về mức phạt tiền, thẩm quyền phạt tiền và áp dụng xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuỷ sản như sau:

Mức phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính do cá nhân thực hiện trong lĩnh vực thủy sản là 1.000.000.000 đồng.

 Mức phạt tiền quy định tại Chương II Nghị định này được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân, trường hợp tổ chức có hành vi vi phạm như của cá nhân thì mức phạt tiền bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Thẩm quyền phạt tiền của các chức danh quy định tại Chương III Nghị định này là thẩm quyền xử phạt đối với một hành vi vi phạm hành chính của cá nhân, thẩm quyền phạt tiền đối với tổ chức gấp 02 lần thẩm quyền phạt tiền cá nhân.

Việc xử phạt vi phạm hành chính đối với các đối tượng thực hiện hành vi vi phạm quy định tại các điểm c và đ khoản 1; điểm c khoản 2; điểm b khoản 3 Điều 20 Nghị định này được thực hiện như sau:

Trường hợp chủ tàu cá không đồng thời là thuyền trưởng tàu cá thì từng đi tượng vi phạm đu bị áp dụng các hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả quy định tương ứng đối với đối tượng và hành vi vi phạm hành chính đó;

Trường hợp chủ tàu cá đồng thời là thuyền trưởng tàu cá thì chỉ áp dụng hình thức xử phạt chính đối với thuyền trưởng tàu cá và áp dụng đầy đủ các hình thức xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả quy định đối với hành vi vi phạm hành chính đó.

Đối với trường hợp chuyển hồ sơ vụ vi phạm để xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại khoản 1 Điều 63 Luật Xử lý vi phạm hành chính thì căn cứ vào tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi vi phạm để xử phạt theo quy định của Nghị định này.

Trường hợp tang vật vi phạm là loài thủy sản thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ thì áp dụng quy định xử phạt như loài thuộc Danh mục loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm Nhóm I.

Vi phạm về khai thác các loài thủy sản thuộc Phụ lục I, II và III Công ước về buôn bán quốc tế động, thực vật hoang dã nguy cấp (viết tắt là CITES) mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì xử lý như sau:

- Trường hợp các loài thủy sản thuộc Phụ lục I CITES thì xử phạt vi phạm như đối với loài thủy sản thuộc Danh mục các loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm Nhóm I;

Trường hợp các loài thủy sản thuộc Phụ lục II và Phụ lục III CITES thì xử phạt vi phạm như đối với loài thủy sản thuộc Danh mục các loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm Nhóm II.

Các sản phẩm loài thủy sản thuộc Phụ lục I CITES hoặc loài thủy sản, bộ phận cơ thể, sản phẩm của chúng thuộc Phụ lục II và Phụ lục III CITES thì phải xác định giá trị bằng tiền của loài thủy sản, bộ phận cơ thể, sản phẩm của chúng để xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc xử phạt vi phạm hành chính.

Trường hợp không truy cứu trách nhiệm hình sự thì xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của Nghị định này.

 Ranh giới vùng biển được phép khai thác thủy sản là vùng biển đã được phân định để tàu cá Việt Nam khai thác hợp pháp, được thể hiện trên hệ thống giám sát tàu cá và thiết bị giám sát hành trình lắp trên tàu cá.

* Về hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả

Đối với một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản, hình thức xử phạt chính áp dụng trong lĩnh vực thủy sản là phạt tiền.

Hình thức xử phạt bổ sung áp dụng trong lĩnh vực thủy sản, bao gồm:

- Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;

- Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

Ngoài các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, b, d, đ, e, và g khoản 1 Điều 28 Luật Xử lý vi phạm hành chính, Nghị định này quy định các biện pháp khắc phục hậu quả áp dụng trong lĩnh vực thủy sản như sau:

Buộc thả thủy sản, giống thủy sản còn sống trở lại môi trường sống của chúng;

Buộc chuyển giao thủy sản thuộc Nhóm I của Danh mục loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm đã chết cho cơ quan có thẩm quyền;

Buộc thả bổ sung loài thủy sản theo quy định;

- Buộc chuyển đổi mục đích sử dụng loài thủy sản hoặc giống thủy sản hoặc thức ăn thủy sản hoặc sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản, trường hợp không đáp ứng được yêu cầu chuyển đổi thì buộc tiêu hủy thủy sản hoặc giống thủy sản hoặc thức ăn thủy sản hoặc sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản;

- Buộc chủ tàu cá chi trả kinh phí đưa công dân Việt Nam bị cơ quan có thẩm quyền nước ngoài bắt giữ, xử lý về nước;

Buộc nộp lại giấy chứng nhận, xác nhận, giấy phép, văn bản chấp thuận, chứng chỉ bị ty xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung;

Buộc vây bắt, tiêu diệt loài thủy sản sống bị thoát ra môi trường tự nhiên hoặc thủy sản được cho sinh sản trái phép từ loài thủy sản sống;

Buộc thu hồi thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản;

Buộc hủy bỏ kết quả đăng kiểm;

- Buộc di dời hoặc phá dỡ công trình nuôi trồng thủy sản;

Buộc tái xuất tàu cá nhập khẩu, trường hợp không thể tái xuất tàu cá thì buộc chuyển đổi mục đích sử dụng tàu cá hoặc phá dỡ tàu cá hoặc đánh đắm tàu cá;

- Buộc chuyển đổi mục đích sử dụng tàu cá hoặc phá dỡ tàu cá;

- Buộc treo Quốc kỳ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc cờ quốc tịch theo quy định;

- Buộc tàu cá nước ngoài (trừ tàu Công ten nơ) vận chuyển thủy sản có nguồn gốc từ khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, chuyển khẩu, quá cảnh vào Việt Nam ra khỏi lãnh thổ Việt Nam;

- Buộc trả lại diện tích đã lấn chiếm;

- Buộc tái xuất thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản nhập khẩu, trường hợp không thể tái xuất thì buộc tiêu hủy.

 Vi phạm hành chính nhiều lần hoặc tái phạm trong lĩnh vực thủy sản là tình tiết tăng nặng trong xử phạt vi phạm hành chính, trừ trường hợp được quy định là hành vi vi phạm hành chính trong Nghị định này.

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 20 tháng 5 năm 2024. Nghị định này thay thế Nghị định số 42/2019/NĐ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản.

Đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản xảy ra trước khi Nghị định này có hiệu lực mà sau đó mới bị phát hiện hoặc đang xem xét, giải quyết mà Nghị định này không quy định trách nhiệm pháp lý hoặc quy định trách nhiệm pháp lý nhẹ hơn thì áp dụng quy định của Nghị định này.

Đối với quyết định xử phạt vi phạm hành chính đã được ban hành hoặc đã được thi hành xong trước thời điểm Nghị định này có hiệu lực thi hành mà cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính còn khiếu nại thì áp dụng quy định của Nghị định số 42/2019/NĐ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2019 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản để giải quyết./.

 Vân Anh