Hội nghị học tập trực tuyến toàn quốc Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng: Tập trung vào những vấn đề cốt lõi, nhận thức mới, tư duy mới trong các văn kiện Đại hội XIII của Đảng

28/03/2021
Tiếp tục nội dung chương trình hội nghị trực tuyến toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, ngày 28/3/2021, các Ủy viên Bộ Chính trị đã giới thiệu, trình bày các chuyên đề về “Chiến lược phát triển Kinh tế - Xã hội 10 năm 2021 - 2030 và Phương hướng, nhiệm vụ 5 năm tới”; “Những nhận thức mới và tư duy mới về quốc phòng Việt Nam”; “Những nhận thức mới và tư duy mới về và an ninh quốc gia”.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc quán triệt chuyên đề về “Chiến lược phát triển Kinh tế - Xã hội 10 năm 2021 - 2030 và Phương hướng, nhiệm vụ 5 năm tới (Ảnh - Nguồn Chinhphu.vn)

Tại tỉnh Phú Thọ, dự hội nghị tại điểm cầu Văn phòng Tỉnh ủy có các đồng chí: Bùi Minh Châu - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Bùi Văn Quang - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Hoàng Công Thủy - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; các đồng chí Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh; Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh; các Ban Xây dựng Đảng tỉnh.

Lãnh đạo tỉnh Phú Thọ dự hội nghị tại điểm cầu Tỉnh ủy

Hội nghị tiếp tục được kết nối trực tuyến đến gần 300 điểm cầu với sự tham gia của trên 45.000 cán bộ, đảng viên trong tỉnh.

Phấn đấu đến năm 2030, Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao

Tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ đã giới thiệu, truyền đạt chuyên đề về “Chiến lược phát triển Kinh tế - Xã hội 10 năm 2021 - 2030 và Phương hướng, nhiệm vụ 5 năm tới”.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định những thành tựu to lớn, mang ý nghĩa lịch sử của đất nước sau 35 năm đổi mới. Đồng thời chỉ ra những khó khăn, thách thức mà đất nước đang phải đối mặt; đặc biệt là trước tình hình đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp trên thế giới, có thể tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực trong thời kỳ đầu thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Đứng trước những khó khăn, thách thức đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng phải đổi mới tư duy phát triển, thay đổi cách làm. Theo đó, phải đẩy mạnh cải cách thể chế, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Thực hiện quyết liệt chuyển đổi số, xây dựng nền kinh tế số, thúc đẩy phát triển kết cấu hạ tầng quy mô lớn, đẩy mạnh tiêu dùng nội địa, giải quyết việc làm. Phát huy mạnh mẽ vai trò của của các doanh nghiệp thuộc mọi loại hình sở hữu, thúc đẩy hình thành các chuỗi liên kết, chuỗi giá trị, phát triển mạnh mẽ thị trường nội địa. Từng bước hình thành năng lực sản xuất quốc gia mới. Đồng thời tập trung khắc phục hiệu quả tác động của đại dịch Covid-19, xây dựng các mô hình mới, tận dụng tốt các cơ hội chuyển dịch đầu tư khu vực và toàn cầu.

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu huyện Hạ Hòa

Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: Chủ đề chiến lược phát triển đất nước trong thời gian tới là khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy mạnh mẽ giá trị văn hóa, con người Việt Nam và sức mạnh thời đại; huy động mọi nguồn lực, phát triển nhanh và bền vững trên cơ sở khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; phấn đấu đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Để đạt được mục tiêu đó, các cấp, ngành từ trung ương đến địa phương phải xây dựng chương trình, kết hoạch hành động cụ thể theo quy định trong phạm vi quản lý, chức năng, nhiệm vụ được giao; từ đó tập trung chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt, động bộ, hiệu quả. Chú trọng tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, nút thắt với phương châm xây dựng Nhà nước kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động, tạo môi trường và điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Đồng thời có kế hoạch cụ thể về kiểm tra, giám sát, đánh giá thực hiện; quy định rõ trách nhiệm cụ thể đối với cấp ủy đảng, chính quyền, đặc biệt là người đứng đầu.

“Kim chỉ nam” trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc

Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam Phan Văn Giang trình bày chuyên đề “Những nhận thức mới và tư duy mới về quốc phòng Việt Nam” (Ảnh - Nguồn Chinhphu.vn)

Truyền đạt nội dung chuyên đề “Những nhận thức mới và tư duy mới về quốc phòng Việt Nam” tại hội nghị, đồng chí Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết: Trong quá trình lãnh đạo, nhận thức, tư duy của Đảng về quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc không ngừng được phát triển, đổi mới phù hợp với tình hình thực tiễn của từng giai đoạn cách mạng, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong tình hình mới.

Trên cơ sở đánh giá đúng tình hình trong nước, khu vực, quốc tế và xu thế của thời đại, Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định, bổ sung, phát triển những quan điểm cơ bản về nhiệm vụ quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới. Đại hội tiếp tục xác định: “Phát huy cao nhất sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị kết hợp với sức mạnh thời đại, tranh thủ tối đa sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân, chế độ xã hội chủ nghĩa, nền văn hóa và lợi ích quốc gia - dân tộc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị... để phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa... Có kế sách ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa. Nỗ lực để ngăn ngừa xung đột, chiến tranh và giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, vùng trời, vùng biển; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển”.

Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam khẳng định, đây là quan điểm, chủ trương lớn, đúng đắn, thể hiện sâu sắc sự phát triển nhận thức, tư duy mới của Ðảng đối với nhiệm vụ quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc; là “kim chỉ nam”, định hướng chiến lược để toàn Ðảng, toàn dân và toàn quân tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ quốc phòng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới.

Bảo vệ an ninh quốc gia là bảo vệ cuộc sống người dân

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm giới thiệu chuyên đề “Những nhận thức mới và tư duy mới về an ninh quốc gia” 

(Ảnh - Nguồn Chinhphu.vn)

Giới thiệu chuyên đề “Những nhận thức mới và tư duy mới về an ninh quốc gia”, đồng chí Tô Lâm - Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng ngày nay, Đại hội XIII của Đảng ta xác định: Vấn đề an ninh quốc gia cần được hiểu một cách toàn diện hơn, rộng hơn, sâu hơn, không chỉ có các vấn đề an ninh chính trị, quân sự truyền thống mà còn bao quát cả những vấn đề an ninh phi truyền thống.

Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh: Đại hội XIII của Đảng lần đầu tiên xác định “an ninh con người”, bảo vệ “an ninh con người”; “chú trọng an ninh, an toàn là một trong những yếu tố hàng đầu trong cuộc sống của người dân”, do vậy bảo vệ an ninh quốc gia cũng chính là bảo vệ cuộc sống của người dân. Đặt nhân tố con người, an ninh con người là trung tâm của mọi hoạt động; bảo vệ an ninh con người vừa là mục tiêu phấn đấu, vừa là động lực bảo đảm cho sự ổn định chính trị, xã hội và xây dựng, phát triển đất nước trường tồn, thịnh vượng. Để thực hiện được mục tiêu an ninh con người thì việc xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn lành mạnh là nhiệm vụ hàng đầu nhằm tạo ra môi trường, lòng tin của người dân với Đảng, chế độ được củng cố.

Bộ trưởng cho biết: Văn kiện Đại hội XIII của Đảng xác định các quan điểm chỉ đạo, trong đó đảm bảo cao nhất lợi ích quốc gia dân tộc; xác định phương hướng kiên trì với chủ nghĩa xã hội, đảm bảo an ninh quốc gia gắn an ninh con người, an ninh kinh tế, an ninh mạng và xây dựng xã hội trật tự kỷ cương, an ninh bên ngoài lãnh thổ. Trong đó nhấn mạnh tinh thần chủ động phòng ngừa, chuẩn bị chủ động về mọi mặt, sẵn sàng giữ vững an ninh quốc gia trong mọi tình huống, tính chiến đấu thường xuyên liên tục, gắn chặt xu thế hòa bình ổn định một cách bền vững.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Tỉnh ủy

Phát biểu bế mạc hội nghị, Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa - Bí thư Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh: Thành công của hội nghị có ý nghĩa hết sức quan trọng về mặt nhận thức đối với cán bộ, đảng viên, nhất là đối với cấp ủy các cấp; là cơ sở quan trọng để các tổ chức Đảng tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả việc nghiên cứu, học tập, quán triệt và tuyên truyền sâu rộng Nghị quyết.

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị Tỉnh ủy, Thành ủy, Đảng ủy trực thuộc trung ương tiếp tục quán triệt sâu sắc ý kiến chỉ đạo của đồng chí Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng tại buổi khai mạc hội nghị; nắm vững những quan điểm lớn, nội dung cơ bản, nội dung mới và nội dung cốt lõi trong các văn kiện Đại hội đã được các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước trực tiếp truyền đạt. Trên cơ sở đó tổ chức tốt các hội nghị nghiên cứu, học tập, quán triệt triển khai thực hiện các nội dung Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng ở các địa phương, đơn vị đảm bảo theo đúng tiến độ và đạt hiệu quả cao. Từ đó tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động trong toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân; nhanh chóng đưa Nghị quyết Đại hội XIII trở thành hành động cụ thể trong thực tiễn.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu huyện Lâm Thao

Ngay sau hội nghị này, các tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị, địa phương khẩn trương xây dựng và triển khai chương trình hành động, kế hoạch thực hiện Nghị quyết Đại hội của tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị, địa phương mình; thể hiện tính phấn đấu cao, ý chí quyết tâm và khát vọng vươn lên của từng cấp, từng ngành, từng tập thể, cá nhân và giải pháp thực hiện đảm bảo khả thi, hiệu quả.

Các cơ quan báo chí, phương tiện truyền thông đại chúng, báo cáo viên các cấp và tuyên truyền viên ở cơ sở đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến rộng rãi tới đông đảo quần chúng nhân dân trong nước và kiều bào ta ở nước ngoài về những nội dung cơ bản của các văn kiện Đại hội XIII. Chú trọng đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch và định hướng dư luận xã hội theo đúng phương châm “lấy xây là chính, xây là nhiệm vụ cơ bản, là chiến lược lâu dài; lấy cái đẹp dẹp cái xấu; lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực”, góp phần quan trọng củng cố niềm tin vững chắc vào mục tiêu phát triển đất nước phồn vinh và hạnh phúc.

Ban Tuyên giáo các Tỉnh ủy, Thành ủy, Đảng ủy trực thuộc trung ương chủ động, tích cực tham mưu cho cấp ủy lãnh đạo đẩy mạnh tuyên truyền các phong trào thi đua yêu nước, góp phần tích cực thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp. Phối hợp tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng, triển khai chương trình hành động, kế hoạch thực hiện Nghị quyết Đại hội gắn với thực tiễn của từng địa phương, đơn vị.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc tổ chức học tập và triển khai Nghị quyết một cách thường xuyên; biểu dương khen thưởng những đơn vị làm tốt, nhắc nhở, phê bình và xử lý theo quy định đối với những đơn vị, cá nhân thực hiện không nghiêm túc, không hiệu quả...

Nguồn: Phutho.gov.vn