Nâng cao năng lực cho hòa giải viên nhằm thúc đẩy bình đẳng giới trong hòa giải ở cơ sở góp phần thiết thực nâng cao hiệu quả và tính bền vững hòa giải thành ở cơ sở

05/10/2020
Điện Biên là một tỉnh miền núi thuộc vùng Tây Bắc Bộ, có đường biên giới tiếp giáp với hai quốc gia là Trung Quốc và Lào; có 33 dân tộc sinh sống bao gồm: TháiMôngKinhDaoKhơ MúHà NhìGiáyLa Hủ, Lự, Hoa, Kháng, Mảng, Tày, Nùng, Mường.... với những thù cơ bản đó, công tác hòa giải ở cơ sở ở Điện Biên càng có vai trò vô cùng quan trọng trong việc ổn định an ninh trật tự, xây dựng khối đại đoàn kết cộng đồng; đặc biệt trong tuyên truyền, vận động người dân vùng biên giới tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, tuân thủ pháp luật Nhà nước để không bị kẻ xấu lợi dụng, góp phần giữ vững an ninh biên giới, chủ quyền Quốc gia.
Mục tiêu của khóa tập huấn: Sau khi được tập huấn, hòa giải viên ở cơ sở nắm được kiến thức về giới, bình đẳng giới, định kiến giới, nhạy cảm giới trong hòa giải ở cơ sở; cách tiếp cận và giải quyết vụ, việc hòa giải ở cơ sở để bảo đảm bình đẳng giới.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Lê Vệ Quốc nhấn mạnh: Hòa giải ở cơ sở là thiết chế hết sức nhân văn trong giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật tại cộng đồng dân cư, ngày càng được người dân ghi nhận và sự quan tâm của cộng đồng quốc tế. Để nâng cao năng lực cho đội ngũ này, đặc biệt là hiểu biết về giới và bình đẳng giới, góp phần nâng cao hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở ở những địa phương điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, Bộ Tư pháp, UNDP và EU đã phối hợp, lựa chọn tập huấn cho đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở của tỉnh Điện Biên. Ông Quốc đề nghị các đại biểu tuân thủ nội quy của Hội nghị, tập trung nghiên cứu, học tập, chủ động phát biểu ý kiến, tích cực tham gia thảo luận từ đó mới có đủ kiến thức về vấn đề giới và có ứng xử phù hợp để bảo đảm kết quả hòa giải thành gắn với nguyên tắc bình đẳng giới trong quá trình hòa giải. Từ đó giúp cho việc hòa giải ở cơ sở ngày càng tốt hơn, việc thúc đẩy bình đẳng giới cũng ngày càng đi vào thực chất hơn.
Hội nghị tập huấn được tổ chức theo phương pháp tăng cường sự tham gia của người học, lấy người học làm trung tâm. Theo đó, các học viên được chia thành các nhóm học tập, cùng trao đổi, thảo luận các vấn đề do giảng viên đưa ra và được trình bày, phát biểu ý kiến; sau đó báo cáo viên sẽ hệ thống lại kiến thức cho học viên. Các đại biểu đánh giá cao phương pháp tập huấn này, họ rất hào hứng và sôi nổi tham gia vào khóa học, họ thực sự được suy nghĩ, được rèn luyện các kỹ năng thiết thực, đáp ứng được nhu cầu của hòa giải viên. 

Phát biểu tại Hội nghị, bà Paulina Gajewska cho rằng thúc đẩy bình đẳng giới là hoạt động được EU rất quan tâm nhằm tiến tới xã hội văn minh, tiến bộ; bà Paulina chúc các học viên tiếp thu được nhiều kiến thức, biết vận dụng kiến thức về giới, bình đẳng giới để thực hiện hoạt động hòa giải ở cơ sở có hiệu quả nhất.
Theo bà Đào Thị Thu An, Quản lý Dự án Tăng cường pháp luật và tư pháp tại Việt Nam “Kể từ năm 2019, trong khuôn khổ Dự án, Chương trình phát triển Liên hợp quốc đã phối hợp với Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp tiến hành một số nghiên cứu về hòa giải ở cơ sở, tham khảo ý kiến của các hòa giải viên cũng như người dân về công tác hòa giải ở cơ sở, các khó khăn, thách thức mà họ gặp phải. Đa số các hòa giải viên được hỏi ý kiến cho rằng họ chưa được trang bị đầy đủ kiến thức và kỹ năng để làm việc với các nhóm dễ bị tổn thương, trong đó có phụ nữ, trẻ em. Điều này ảnh hưởng tới hiệu quả của công tác hòa giải ở cơ sở. Chúng tôi mong muốn rằng Tài liệu tập huấn này sẽ giúp các hòa giải viên ở cơ sở thực hiện công việc của mình hiệu quả hơn, nhạy cảm hơn về giới và từ đó giúp thúc đẩy bình đẳng giới trong các hoạt động hòa giải ở cơ sở”.