Một số điểm mới của Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2025

12/03/2025

Tại kỳ họp bất thường lần thứ 9 vừa qua, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Tổ chức chính quyền địa phương với 458/459 đại biểu có mặt biểu quyết tán thành, chiếm 96,03% tổng số đại biểu Quốc hội. Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2025 gồm 07 chương, 50 điều, giảm 01 chương và 93 điều so với Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2019. Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2025 (Luật 2025) có nhiều điểm mới so với Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 (Luật 2015) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2019 (Luật 2019). Một số nội dung đáng chú ý, cụ thể như sau:

Một là quy định linh hoạt trong tổ chức chính quyền tại các địa phương

Tại Điều 2 Luật 2025 quy định: Chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính cấp tỉnh, huyện, xã là cấp chính quyền địa phương gồm có Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân. Trường hợp Quốc hội có quy định về việc không tổ chức cấp chính quyền địa phương tại đơn vị hành chính cụ thể thì chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính đó là Ủy ban nhân dân.

Như vậy có thể thấy, Luật 2025 vẫn tiếp tục duy trì tổ chức chính quyền địa phương ở cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã bao gồm Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân.

Tuy nhiên, Luật 2025 đưa ra điểm mới quan trọng khi bổ sung quy định: Nếu Quốc hội có quy định về việc không tổ chức chính quyền địa phương tại một đơn vị hành chính cụ thể, thì tại đơn vị đó chỉ có UBND hoạt động mà không có HĐND. UBND trong trường hợp này vẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước ở địa phương nhưng không có HĐND giám sát trực tiếp.

Hai là bổ sung tiêu chuẩn về Đại biểu Hội đồng nhân dân

Khoản 3 Điều 5 Luật 2025 đã bố sung thêm thêm tiêu chuẩn của Đại biểu Hội đồng nhân dân là phải: Cư trú hoặc công tác tại cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp ở đơn vị hành chính mà mình là đại biểu Hội đồng nhân dân.

Trước đây, Điều 7 Luật 2015 (sửa đổi bởi khoản 3 Điều 2 Luật 2019) quy định đại biểu HĐND cần có những tiêu chuẩn sau: Trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp; có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam; có phẩm chất đạo đức tốt, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; có trình độ văn hóa, chuyên môn, đủ năng lực, sức khỏe, kinh nghiệm công tác và uy tín; liên hệ chặt chẽ với Nhân dân, lắng nghe ý kiến của Nhân dân, được Nhân dân tín nhiệm.

Việc bổ sung tiêu chuẩn này góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân, giúp đại biểu có điều kiện theo sát tình hình thực tiễn, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cử tri và phản ánh chính xác hơn những vấn đề phát sinh tại địa phương.

Ba là thay đổi cơ cấu tổ chức của HĐND    

Điều 27 Luật 2025 quy định, cơ cấu tổ chức của Hội đồng nhân dân gồm: Thường trực Hội đồng nhân dân; các Ban của Hội đồng nhân dân; tổ đại biểu Hội đồng nhân dân; các đại biểu Hội đồng nhân dân.

Trong khi đó, Luật 2015 chỉ quy định Hội đồng nhân dân gồm các đại biểu Hội đồng nhân dân do cử tri ở địa phương bầu ra, là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân địa phương và cơ quan nhà nước cấp trên.

Việc điều chỉnh chi tiết về cơ cấu tổ chức của Hội đồng nhân dân theo Luật 2025 nhằm tăng cường tính chuyên nghiệp, trách nhiệm của các đại biểu khi quy định rõ ràng các chế độ hoạt động không chuyên trách cho Ủy viên các ban, giúp phân định rõ ràng vai trò, tránh tình trạng kiêm nhiệm quá nhiều dẫn tới việc hoạt động kém hiệu quả.

Bốn là, điều chỉnh, tinh gọn số lượng đại biểu HĐND

Luật 2025 có nhiều điểm sửa đổi so với Luật 2015 về số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) ở các cấp. Đối với tỉnh miền núi, vùng cao có từ 500.000 dân trở xuống có 50 đại biểu; tỉnh miền núi, vùng cao có trên 500.000 dân: Cứ thêm 50.000 dân được bầu thêm 01 đại biểu, tối đa 75 đại biểu (Luật 2015, cứ thêm 30.000 dân được bầu thêm 01 đại biểu, tối đa 85 đại biểu).

Các tỉnh khác có trên 01 triệu dân, cứ thêm 70.000 dân được bầu thêm 01 đại biểu, tối đa 85 đại biểu (trong khi Luật 2015 quy định Cứ thêm 50.000 dân được bầu thêm 01 đại biểu, tối đa 85 đại biểu).

Dối với thành trực thuộc trung ương có trên 01 triệu dân, cứ thêm 60.000 dân được bầu thêm 01 đại biểu, tối đa 85 đại biểu (trong khi Luật 2015 quy định cứ thêm 50.000 dân được bầu thêm 01 đại biểu, tối đa 95 đại biểu).

Năm là, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cụ thể hóa nội dung và phạm vi phân quyền

Luật 2025 quy định việc phân định thẩm quyền của chính quyền địa phương phải bảo đảm nhiều nguyên tắc như: Xác định rõ nội dung và phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn mà chính quyền địa phương được quyết định, tổ chức thực hiện và chịu trách nhiệm về kết quả; bảo đảm không trùng lặp, chồng chéo về nhiệm vụ, quyền hạn giữa các cơ quan Nhà nước ở Trung ương và địa phương, giữa chính quyền địa phương các cấp và giữa các cơ quan, tổ chức thuộc chính quyền địa phương. Cùng với yêu cầu đảm bảo tính công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình và thực hiện có hiệu quả việc kiểm soát quyền lực; Đáp ứng yêu cầu quản trị địa phương; ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Luật 2025 bổ sung quy định: Chính quyền địa phương được chủ động đề xuất với cơ quan có thẩm quyền về việc phân quyền, phân cấp cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền ở địa phương thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn phù hợp với khả năng và điều kiện thực tiễn của địa phương.

Luật 2025 quy định: Việc phân quyền cho chính quyền địa phương các cấp phải được quy định trong luật, nghị quyết của Quốc hội, trong đó xác định rõ chủ thể thực hiện, nội dung, phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn, bảo đảm các nguyên tắc phân định thẩm quyền và phù hợp với nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương các cấp quy định tại Luật này. Trong khi khoản 1 Điều 12 Luật 2019: Việc phân quyền cho các cấp chính quyền địa phương phải được quy định trong luật. Trong trường hợp này, luật phải quy định nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể mà chính quyền địa phương không được phân cấp, ủy quyền cho cơ quan nhà nước cấp dưới hoặc cơ quan, tổ chức khác.

Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2025 tạo hành lang pháp lý để xử lý những vấn đề thực tiễn, tháo gỡ "điểm nghẽn về thể chế, chính sách" nhằm thực hiện được ngay các quan điểm chỉ đạo của Đảng về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền giữa trung ương và địa phương, giữa các cấp chính quyền địa phương, phát huy tính chủ động, sáng tạo của địa phương theo phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”; “cấp nào giải quyết hiệu quả hơn thì giao nhiệm vu, thẩm quyền cho cấp đó”. Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2025 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/03/2025.

Việc phân quyền đã được mở rộng cụ thể phải được quy định trong luật, nghị quyết của Quốc hội. Điều này giúp làm rõ trách nhiệm của từng cấp chính quyền, hạn chế tình trạng chồng chéo hoặc bỏ sót thẩm quyền, đồng thời tạo cơ sở pháp lý vững chắc hơn cho việc thực thi nhiệm vụ tại địa phương.

Sáu là về tổ chức đơn vị hành chính, thành lập, giải thể, nhập chia đơn vị hành chính, điều chỉnh địa giới và đổi tên đơn vị hành chính

Cả Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2025 đều đảm bảo tính minh bạch và dân chủ trong việc thay đổi đơn vị hành chính, đặc biệt là yêu cầu lấy ý kiến Nhân dân trước khi quyết định.

So với Luật năm 2015, Luật đã đổi tên chương và thứ tự của Chương II tổ chức đơn vị hành chính, thành lập, giải thể, nhập chia đơn vị hành chính, điều chỉnh địa giới và đổi tên đơn vị hành chính để bảo đảm phù hợp với Hiến pháp năm 2013. 

Luật đã quy định một số nguyên tắc tổ chức đơn vị hành chính, điều kiện thành lập, giải thể, nhập chia đơn vị hành chính, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính. 

Bên cạnh đó, so với Luật năm 2015, Luật đã quy định theo hướng khái quát về trình tự, thủ tục thành lập, giải thể, nhập chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính và giao Chính phủ quy định cụ thể về việc xây dựng, lấy ý kiến cử tri, khảo sát, thẩm định đề án thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính, bảo đảm tính linh hoạt và đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.

Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2025 tạo hành lang pháp lý để xử lý những vấn đề thực tiễn, tháo gỡ "điểm nghẽn về thể chế, chính sách" nhằm thực hiện được ngay các quan điểm chỉ đạo của Đảng về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền giữa trung ương và địa phương, giữa các cấp chính quyền địa phương, phát huy tính chủ động, sáng tạo của địa phương theo phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”; “cấp nào giải quyết hiệu quả hơn thì giao nhiệm vu, thẩm quyền cho cấp đó”./.

Nghiệp vụ phổ biến giáo dục pháp luật

Chuyên mục