Lâm Thao nỗ lực chuyển đổi số

21/01/2024

LamThao.jpg

Cán bộ Bộ phận Một cửa thị trấn Hùng Sơn hướng dẫn người dân nộp hồ sơ, tra cứu thông tin trên Cổng Dịch vụ công của tỉnh

Nỗ lực thay đổi tư duy, cách làm

Những năm trước đây, khi mới bắt tay vào thực hiện chuyển đổi số, cơ sở hạ tầng nhiều nơi xuống cấp, chưa đồng bộ; trình độ, nhận thức của người dân về công nghệ thông tin, chuyển đổi số còn hạn chế; vẫn còn không ít cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu chưa thực sự quyết liệt trong quá trình chuyển đổi số… đã phần nào ảnh hưởng đến việc tổ chức triển khai thực hiện trên địa bàn toàn huyện.

Để có thể “bứt tốc” trên lộ trình chuyển đổi số, sớm cải thiện vị trí trên bảng xếp hạng của tỉnh, huyện Lâm Thao đã xác định phải nỗ lực, khẩn trương, trước hết là phải tạo chuyển biến trong nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức, doanh nghiệp và người dân trên địa bàn.

Đồng chí Vũ Tuấn Anh - Phó Chủ tịch UBND thị trấn Hùng Sơn, huyện Lâm Thao cho biết: Nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, đơn vị là hết sức quan trọng đối với quá trình triển khai các nhiệm vụ chuyển đổi số. Do vậy, thị trấn thường xuyên tổ chức quán triệt, nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, nhất là vai trò của lãnh đạo trong chỉ đạo, đôn đốc thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số. Chúng tôi tận dụng nguồn nhân lực sẵn có để đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ công nghệ thông tin, đảm bảo triển khai tốt nhiệm vụ. Bên cạnh đó, quan tâm động viên, khích lệ, dần gỡ “nút thắt ngại tiếp cận cái mới, công nghệ mới” cho cán bộ.

Nhờ đó, 100% cán bộ, công chức của thị trấn đã sử dụng thành thạo phần mềm quản lý và điều hành văn bản để xử lý văn bản trên môi trường mạng. Công chức bộ phận Một cửa đã cài đặt, sử dụng thành thạo các phần mềm chuyên ngành trong xử lý công việc và giải quyết thủ tục hành chính. Qua đó, dần thay đổi thói quen làm việc từ truyền thống sang xử lý trên môi trường điện tử.

LamThao3.jpg

Hệ thống camera thông minh được triển khai lắp đặt tại các khu dân cư trên địa bàn xã Sơn Vi

Với xã Sơn Vi, xác định chuyển đổi số là xu thế tất yếu, xã đã lựa chọn 2 khu (khu 6, khu 10) để xây dựng khu dân cư thông minh trong năm 2023. Đồng chí Chử Đức Oanh - Chủ tịch UBND xã cho biết: Xã đã xác định mục tiêu, tiến độ triển khai cụ thể để tập trung huy động nguồn lực nhằm nâng cao các tiêu chí phù hợp với điều kiện địa phương, trong đó hết sức coi trọng yếu tố năng động, sáng tạo của cán bộ, công chức, các tổ chức đoàn thể khu dân cư trong việc đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân cùng tham gia thực hiện.

Theo ông Nguyễn Văn Lưu - Trưởng khu dân cư số 10: Những năm trước đây, chuyển đổi số vẫn là một điều mới mẻ với người dân nơi đây. Để giúp người dân vận hành được các thiết bị thông minh, tiếp cận được những tiện ích của công nghệ, chúng tôi phải dành nhiều thời gian để học hỏi. Sau đó, các đoàn thể trong khu cùng nhau đi tuyên truyền, hướng dẫn để người dân hiểu và đồng hành trong tiến trình chuyển đổi số, xây dựng khu dân cư thông minh.

Năm 2023, khu dân cư số 6 và số 10 đã huy động 100% các hộ dân tham gia đóng góp gần 120 triệu đồng để lắp đặt đồng bộ hệ thống camera an ninh tại các điểm ra, vào khu dân cư, được kết nối và thu dữ liệu hình ảnh về trung tâm đặt tại nhà văn hóa; hệ thống điện chiếu sáng sử dụng công nghệ điều khiển từ xa qua điện thoại đến 100% các tuyến đường, ngõ, xóm; nhà văn hóa khu đã lắp đặt hệ thống wifi để phục vụ người dân truy cập, tìm hiểu thông tin.

Ông Lê Văn An, người dân khu 10 chia sẻ: Nếu như trước đây, điện thoại thông minh, wifi, mã QR... là điều mà người dân chúng tôi nghĩ chỉ có người trẻ mới sử dụng được thì nay những người có tuổi như chúng tôi đều đã có thể sử dụng thành thạo. Mỗi người dân trong khu đều có thể truy cập vào hệ thống camera an ninh để thuận tiện quan sát tình hình an ninh trật tự, giữ gìn vệ sinh môi trường. Bản thân tôi đều sử dụng mã QR trong các giao dịch, thanh toán rất tiện lợi.

Rút ngắn dần khoảng cách công nghệ số

Để nhiệm vụ chuyển đổi số được thực hiện đồng bộ, thông suốt, huyện Lâm Thao đã nhanh chóng thành lập Ban chỉ đạo chuyển đổi số của huyện; chủ động xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện, tổ chức ký cam kết, giao nhiệm vụ thực hiện chỉ tiêu đến từng phòng, ban, đơn vị, xã, thị trấn và gắn với trách nhiệm người đứng đầu với phương châm “không ai đứng ngoài cuộc”. Cùng với đó, khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức phát huy sáng kiến, nâng cao hiệu quả, chất lượng công việc, chất lượng các chỉ tiêu chuyển đổi số được giao.

LamThao2.jpg

Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến được triển khai đồng bộ tại 100% các cơ quan, đơn vị, xã, thị trấn, liên thông với cấp tỉnh và trung ương mang lại hiệu quả cao trong công tác chỉ đạo, điều hành

Đồng chí Ngô Đức Sáu - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Hoạt động quản lý, điều hành của cơ quan Nhà nước hiện nay đã được 100% cơ quan, đơn vị từ cấp huyện đến cấp xã thực hiện thông qua môi trường số, như: Hệ thống “Một cửa điện tử”, “Một cửa điện tử liên thông”; phần mềm Quản lý văn bản và điều hành; hệ thống thư điện tử công vụ; quản lý, sử dụng chứng thư số chuyên dùng; các trang/cổng thông tin điện tử; hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến... Do đó, lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức có thể giải quyết công việc ở mọi lúc, mọi nơi kể cả khi đi công tác, nên mọi việc được giải quyết kịp thời, người dân không phải chờ đợi lâu; không còn tình trạng tồn đọng trong tiếp nhận, xử lý văn bản như trước. Cùng với đó, kỷ luật, kỷ cương hành chính cũng được siết chặt, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động chính quyền địa phương, phục vụ người dân ngày càng tốt hơn.

Huyện cũng quan tâm đầu tư xây dựng, nâng cấp Bộ phận một cửa liên thông từ huyện đến cơ sở. Trong đó, xã Thạch Sơn, Sơn Vi và thị trấn Hùng Sơn bố trí trên 1 tỷ đồng nâng cấp trang thiết bị, nhà điều hành Bộ phận một cửa; 100% các xã, thị trấn đã đầu tư đầy đủ trang thiết bị và cơ sở vật chất thiết yếu phục vụ Nhân dân.

Năm 2023, tổng số hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) cấp huyện được xử lý trên môi trường mạng/tổng số TTHC thực tế tiếp nhận là 11.363/12.421, đạt tỷ lệ 91,48%; cấp xã 12.928/16.887, đạt tỉ lệ 76,6% (vượt chỉ tiêu 11,6%). Lâm Thao cũng là một trong số ít các địa phương trong tỉnh thực hiện số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC đạt tỷ lệ 100%. Mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp về thủ tục hành chính đạt 80%.

Năm 2023, tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động của huyện có điện thoại thông minh đạt 87%

Tỷ lệ hộ gia đình có đường Internet cáp quang băng rộng đạt 77%

Tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số đạt 30%

Tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử đạt 50%, hóa đơn điện tử đạt 100%

Tỷ lệ người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác đạt 65%

Tính đến ngày 4/12/2023, toàn huyện đã kích hoạt 65.218/96.626 tài khoản định danh điện tử mức 1, mức 2


Để thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số, huyện đã tập trung đẩy mạnh phát triển hạ tầng kết nối số cho người dân, doanh nghiệp; đẩy nhanh tốc độ phủ mạng cáp quang, mạng di động băng rộng đến 100% các khu dân cư…

Tổ công nghệ số cộng đồng tại 100% các xã, khu dân cư tăng cường tổ chức các hoạt động hướng dẫn người dân cài đặt, sử dụng dịch vụ số phục vụ nhu cầu thiết yếu như y tế, giáo dục, chính sách xã hội, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt. Qua công tác tuyên truyền, phổ biến về chuyển đổi số, người dân từng bước cài đặt và sử dụng các nền tảng chuyển đổi số phục vụ công việc và cuộc sống.

Từ sự vào cuộc quyết liệt, sự chuyển biến trong nhận thức, tư duy và hành động của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, của từng cán bộ, công chức từ huyện đến xã, đã góp phần tháo gỡ “điểm nghẽn”, rút ngắn khoảng cách, nâng thứ hạng của Lâm Thao trên bảng xếp hạng chuyển đổi số của tỉnh. Đây cũng chính là động lực để huyện tiếp tục có giải pháp thiết thực, hiệu quả hơn nữa nhằm thúc đẩy công cuộc chuyển đổi số toàn diện, phục vụ Nhân dân ngày càng tốt hơn.

Lệ Thủy