Hiện đại hóa nền hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ người dân

03/01/2021

Cán bộ huyện Cẩm Khê ứng dụng CNTT trong giải quyết công việc

Thay đổi mạnh mẽ phong cách làm việc

Những ngày này, tất cả các cơ quan, đơn vị của tỉnh đang khẩn trương thực hiện công tác tổng kết hoạt động của năm 2020 để bước vào thực hiện nhiệm vụ của năm mới. Khối lượng công việc lớn, nhiều giấy tờ, tài liệu, nhưng mọi hoạt động đã dễ dàng hơn nhờ ứng dụng CNTT.

Tại huyện Yên Lập, 100% văn bản chỉ đạo điều hành đều được ký số, gửi và nhận thông qua phần mềm quản lý văn bản, thư điện tử, thay thế phương pháp trao đổi văn bản truyền thống. Ông Nguyễn Ngọc Khiêm - Chánh Văn phòng UBND huyện cho biết: Hiện nay, trừ những văn bản mật, mọi văn bản đều được giải quyết trên môi trường mạng. Việc thay đổi phương thức sang làm việc trên môi trường mạng đã giúp công việc thuận lợi, tiết kiệm thời gian và giảm một lượng lớn giấy tờ.

Hiện nay, UBND cấp xã trên địa bàn tỉnh đã trang bị tương đối đầy đủ máy tính, máy in, kết nối mạng internet. Số lượng máy tính trên cán bộ công chức đạt khoảng 65%; 98% cán bộ, công chức, viên chức sử dụng thành thạo máy tính trong công việc. Một số địa phương đã đầu tư các trang thiết bị CNTT như máy chiếu, máy quét (scan) phục vụ cho việc số hóa tài liệu, văn bản. Trang thiết bị CNTT đã giúp cho cán bộ, công chức cấp xã thay đổi phương thức tổ chức lưu trữ, quản lý và khai thác thông tin điện tử thay thế phương thức làm việc truyền thống.

Cùng với việc đầu tư hạ tầng, trang thiết bị, việc ứng dụng CNTT trong hoạt động của các cơ quan nhà nước được quan tâm, đẩy mạnh với việc triển khai nhiều phần mềm ứng dụng trong công tác chuyên môn và quản lý. Ngoài các phần mềm thông thường như soạn thảo văn bản, bảng tính, đến nay các xã, phường, thị trấn đã ứng dụng các phần mềm chuyên ngành như quản lý hộ tịch, quản lý văn bản, kế toán ngân sách trong công tác chuyên môn, nghiệp vụ.

Cán bộ Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh xử lý văn bản qua hệ thống quản lý văn bản và điều hành

Từng bước tiến tới môi trường làm việc “không giấy tờ”, hơn 70% cán bộ công chức của tỉnh thường xuyên sử dụng thư điện tử trong trao đổi công việc; 100% đơn vị ứng dụng chữ ký số trong quá trình giải quyết các thủ tục hành chính và đẩy nhanh tiến độ gửi văn bản liên thông hai chiều đi và nhận ở cả 3 cấp tỉnh, huyện, xã.

Bên cạnh đó, tận dụng tối đa sức mạnh của CNTT và của mạng internet, hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến của tỉnh được triển khai hiệu quả đến 100% địa phương cấp xã đã giúp tăng tính tương tác, đóng góp ý kiến của đội ngũ cán bộ đối với các công việc chung. Nhờ đó, mọi nhiệm vụ được triển khai nhanh chóng, phục vụ kịp thời sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy Đảng, chính quyền; đồng thời góp phần cải cách hành chính, giúp giảm thời gian đi lại, chi phí và nâng cao hiệu quả công việc.

Phục vụ chuyên nghiệp, chu đáo

Bước tiến quan trọng trong quá trình thực hiện cải cách hành chính của tỉnh Phú Thọ đó là sự đi vào hoạt động của Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh. Cùng  với đó, Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại cấp huyện dần được hoàn thiện đã tạo sự chuyển biến cơ bản trong hiệu quả làm việc và tăng tính minh bạch trong giải quyết thủ tục hành chính của các cơ quan đơn vị; giảm bớt đầu mối giải quyết thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân phát huy tinh thần giám sát với hoạt động của đội ngũ công chức, viên chức.

Người dân tra cứu kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh

Bên cạnh đó, hệ thống một cửa điện tử và cung cấp dịch vụ công trực tuyến của tỉnh đã được triển khai đồng bộ, thống nhất, liên thông đến 100% các cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp huyện, xã. Cổng dịch vụ công của tỉnh cung cấp trực tuyến 100% các thủ tục hành chính công mức độ 2, 1.639 mức độ 3 (đạt 92,03%), 260 thủ tục mức độ 4 (đạt 13,21%) với tỷ lệ giải quyết hồ sơ đúng hạn đạt hơn 98%.

Không có cảnh xếp hàng chờ đợi để nộp hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính, hiện nay, chỉ cần một thiết bị di động thông minh có kết nối internet, người dân ở bất cứ đâu đều có thể gửi hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính thông qua dịch vụ công trực tuyến.

Đến Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh để đăng ký làm lại giấy khai sinh, anh Nguyễn Tiến Nam ở thị xã Phú Thọ rất bất ngờ khi được hướng dẫn thực hiện kê khai thông tin và gửi hồ sơ qua mạng Internet. Anh Tín cho biết: Không chỉ được giải quyết thủ tục nhanh chóng, được cán bộ tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh tận tình hướng dẫn, hỗ trợ tôi đã biết cách gửi hồ sơ trực tuyến rất đơn giản và thuận tiện, lại tiết kiệm được thời gian. Tôi cũng có thể theo dõi quá trình giải quyết thủ tục hành chính của mình và nhận kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích.

Cổng Thông tin điện tử tỉnh cung cấp đầy đủ thông tin chỉ đạo điều hành của tỉnh

Cổng Thông tin điện tử tỉnh, Trang Thông tin điện tử của các sở, ban, ngành, huyện, thành, thị, đoàn thể khẳng định vai trò là kênh thông tin chính thống của chính quyền tỉnh tuyên truyền các chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước, hoạt động của các cơ quan thuộc hệ thống chính trị đến bạn đọc, góp phần minh bạch thông tin phục vụ nhu cầu tra cứu của người dân và doanh nghiệp.

Phú Thọ cũng đặc biệt quan tâm đến xây dựng đội ngũ cán bộ có phẩm chất đạo đức, năng lực, trách nhiệm, có tính chuyên nghiệp cao. 100% cơ quan hành chính cấp tỉnh áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001-2008. Việc này đã góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và hoạt động của cơ quan, đơn vị; giữ vừng lòng tin của nhân dân, tổ chức, doanh nghiệp.

Năm 2019, chỉ số “hiện đại hóa hành chính” của tỉnh xếp thứ 22/63 tỉnh, thành phố (tăng 13 bậc so với năm 2018) đã góp phần nâng chỉ số Cải cách hành chính (Par Index) của tỉnh xếp thứ 26/63 tỉnh, thành phố trong cả nước (tăng 2 bậc so với năm 2018). Năm 2020, mức độ hài lòng của nhân dân và doanh nghiệp đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước của tỉnh đạt mức trên 80%.

Xây dựng nền hành chính theo hướng chuyên nghiệp, chuyển từ “quản lý” sang “phục vụ” là mục tiêu mà Phú Thọ hướng tới. Để thực hiện được mục tiêu này, toàn tỉnh đang nỗ lực hiện đại hóa nền hành chính, đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào hoạt động quản lý nhà nước. Đồng thời, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Từ đó xây dựng thành công chính quyền điện tử, góp phần xây dựng Phú Thọ là tỉnh phát triển hàng đầu của vùng Trung du và miền núi phía Bắc.